BP - Cải cách tư pháp (CCTP) là một trong những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thường xuyên nhằm bảo vệ quyền con người. Năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-TW đề ra chủ trương lớn, có tính đột phá trong CCTP. Đó là xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Năm 2011, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả CCTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13, công tác CCTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng.
ChẶng đường cải cách tư pháp ở Bình Phước
Sau khi ban hành Chỉ thị số 13, Tỉnh ủy có các văn bản đôn đốc cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị; ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo CCTP tỉnh. Đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện chiến lược CCTP đến năm 2020; kế hoạch thông tin tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp. Các huyện, thị ủy cũng tổ chức học tập, quán triệt các văn bản liên quan đến CCTP, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; định kỳ hằng quý tổ chức họp giao ban để nghe các cơ quan tư pháp báo cáo và đánh giá hoạt động tư pháp.
Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức xét xử lưu động tại xã Long Hà (Phú Riềng)
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị đã có sự phối hợp đồng bộ trong CCTP theo tinh thần Nghị quyết số 49. Với các cơ quan tư pháp, việc nâng cao trình độ cho kiểm sát viên, cán bộ điều tra được lãnh đạo các đơn vị quan tâm thường xuyên và coi đây là một trong những khâu quan trọng trong CCTP. Trong ngành công an, đội ngũ điều tra viên không ngừng nâng lên về số lượng và chất lượng. Năm 2011, toàn ngành có 202 người làm công tác tư pháp thì năm 2016 nâng lên 496 người. Đến năm 2016, viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp có 207 người, trong đó 1 kiểm sát viên cao cấp, 43 trung cấp, 82 sơ cấp, 15 kiểm tra viên, 49 chuyên viên. Ngành tòa án nhân dân (TAND) cũng xây dựng đội ngũ thẩm phán, cán bộ ngành đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hiện TAND hai cấp có 97% cán bộ, công chức đạt trình độ đại học, 1,5% sau đại học; 100% công chức chức danh thẩm phán, thư ký đều có trình độ đại học; lãnh đạo các tòa, phòng TAND cấp tỉnh, huyện, thị hầu hết có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Đoàn hội thẩm nhân dân TAND hai cấp gồm 232 vị, hầu hết có trình độ đại học, trên đại học và cao đẳng.
Bình Phước đã xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề công chứng cả về số lượng và chất lượng. Đây là một trong những hoạt động bổ trợ, góp phần giúp quá trình CCTP của tỉnh ngày càng đạt kết quả cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó 16 văn phòng luật sư, 3 công ty TNHH MTV. Đoàn luật sư Bình Phước hiện có 57 luật sư tham gia. Sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ luật sư đã góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân trước các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 25 tổ chức hành nghề công chứng với 47 công chứng viên rải khắp huyện, thị. Các hoạt động tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công chứng diễn ra nhanh gọn, chính xác, đúng pháp luật. Hoạt động công chứng phát triển đã góp phần bảo đảm quyền lợi người dân trong các giao dịch kinh tế, giảm khiếu nại, khiếu kiện dân sự.
Tỷ lệ giải quyết công việc đạt cao
Từ năm 2011-2016, lực lượng công an toàn tỉnh đã tiếp nhận 6.663 tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Qua xác minh đã ra quyết định khởi tố 3.690 vụ án, không khởi tố 1.474 trường hợp, chuyển xử lý hành chính 905 trường hợp. Trong điều tra xử lý vụ án, 5 năm qua, lực lượng công an đã thụ lý 6.836 vụ/13.890 bị can, đã kết thúc điều tra 6.622 vụ/13.533 bị can. Lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã bảo vệ gần 1.000 phiên tòa, áp giải trên 1.800 bị cáo, thi hành án tử hình 5 trường hợp. Lực lượng kỹ thuật hình sự đã giám định hơn 29 ngàn trường hợp, trong đó pháp y hơn 2.000 vụ việc, kỹ thuật hình sự hơn 27 ngàn vụ việc.
Trong quý 1/2017, cơ quan cảnh sát điều tra toàn tỉnh đã thụ lý, điều tra 440 vụ/674 bị can, chuyển đề nghị VKSND truy tố 236 vụ/388 bị can. Trong quý đã tiếp nhận 830 tin báo, đơn tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; đã xử lý 555 tin, đơn tố giác tội phạm, trong đó ra quyết định khởi tố 226 vụ, không khởi tố 211 vụ, còn lại xử lý khác. VKSND hai cấp đã giám sát giải quyết 428 đơn tố giác, tin báo tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp 229 vụ/403 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự sơ thẩm 408 vụ/741 bị cáo, phúc thẩm 50 vụ/67 bị cáo. VKSND phối hợp TAND xét xử 5 phiên tòa rút kinh nghiệm và 6 phiên xét xử lưu động. |
5 năm qua, VKSND hai cấp thụ lý kiểm sát 5.664 đơn tố giác, tin báo về tội phạm, đã kiểm tra, xác minh, giải quyết đạt 95,81%; kiểm sát việc bắt giữ 6.712 trường hợp, đã giải quyết đạt 99,73%. Đạt được kết quả trên, VKSND hai cấp đã đề ra nhiều giải pháp nhằm kiểm sát chặt chẽ ngay từ khâu tiếp nhận đơn tố giác, tin báo về tội phạm; đồng thời tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo, kiểm sát viên trong việc phê chuẩn các lệnh, quyết định về bắt, tạm giữ, tạm giam... VKSND hai cấp đã kiểm sát chặt chẽ các trường hợp đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự. Nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, VKSND hai cấp đã phối hợp với TAND tổ chức 239 phiên tòa rút kinh nghiệm. Qua các phiên tòa, trách nhiệm công tố của viện kiểm sát chuyển biến tích cực, chủ động tranh luận và đối đáp với luật sư, người bào chữa, thể hiện quan điểm giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.
Nhờ các giải pháp CCTP mà chất lượng xét xử của ngành tòa án tỉnh không ngừng nâng lên; số lượng bản án, quyết định bị hủy năm sau thấp hơn năm trước. Công tác xét xử những vụ án phức tạp, trọng điểm được TAND hai cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Trong giai đoạn 2011-2016, TAND hai cấp đã thụ lý 36.835 vụ, việc, giải quyết xong 32.521 vụ, việc, đạt 88,3%.
Như vậy, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy, công tác CCTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử chuyển biến theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, quyền con người và đảm bảo quy trình pháp luật; tỷ lệ bắt, giam, giữ luôn đảm bảo. Công tác xét xử được xem xét thận trọng, đúng pháp luật, chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa đã tạo ra không khí dân chủ, vai trò của luật sư nhìn nhận tích cực hơn.
N. Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065