Kinh tế đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu phát triển cao nhưng nguồn vốn cho phát triển hạn hẹp. Vì thế, hơn bao giờ hết, thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài đang là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, thủ tục hành chính phiền hà, rắc rối, từ đó phát sinh những chi phí "không chính thức" đang thu hẹp bớt dòng chảy đầu tư.
Thủ tục đầu tư - có hiện tượng cát cứ ở địa phương
Từ khi thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công tác cải cách TTHC đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo Cục kiểm soát Thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2013, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa được 3.606 TTHC trong tổng số 4.751 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề. TTHC trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, ngân hàng, xây dựng, môi trường, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, tư pháp đều đã được giản tiện hơn. Tuy nhiên, những tiến bộ trong cải cách TTHC ấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là đối với yêu cầu thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thủ tục đầu tư, đặc biệt là thủ tục đầu tư trong lĩnh vực xây dựng đang trở thành một trong những cản lực đối với đầu tư ở Việt Nam, làm giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam so với một số nước trong khu vực.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế VCCI cho biết, các thủ tục để doanh nghiệp gia nhập thị trường còn khá phức tạp. Luật và các quy định còn rườm rà, chồng chéo, không đồng bộ, không thống nhất, 63 tỉnh, thành phố là 63 kiểu cấp phép đầu tư khác nhau. Luật Đầu tư chưa tương thích với pháp luật về thương mại, về xây dựng, về đất đai, khoáng sản. Có tỉnh còn quy định "cấm" đầu tư ở một số lĩnh vực mặc dù quốc gia không cấm những lĩnh vực đó.
Hiện có ít nhất 18 TTHC lớn đối với một dự án đầu tư, chưa kể những thủ tục con. Theo nhóm nghiên cứu của VCCI, đối với các dự án có sử dụng đất thì có tới 34 TTHC, trong những điều kiện thuận lợi nhất cũng tiêu tốn ít nhất là 5 tháng (155 ngày) để hoàn thành việc cấp phép. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng, thời gian thực tế còn lâu hơn như vậy gấp nhiều lần. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP Invest) cho biết, dự án nhanh nhất của công ty ông cũng phải mất đến 14 tháng để hoàn thành mọi thủ tục, giấy tờ.
Bộ phận "một cửa" cấp giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. |
Ông Đậu Anh Tuấn vẽ ra một hành trình gian nan của doanh nghiệp để có được những chữ ký chấp thuận đầu tư, có thể phải xuống tận cấp thôn để được chấp thuận. Ở một tỉnh thì có khi phải đến nhiều sở, mỗi sở phải qua nhiều phòng, mỗi phòng lại có nhiều cá nhân. Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau và trong cùng một cơ quan nhà nước là rất kém, vì thế nhà đầu tư buộc phải nộp hồ sơ trùng lặp theo yêu cầu của từng cơ quan nhà nước, thậm chí từng phòng ban trong một cơ quan. Quá trình đầu tư rối rắm và phức tạp nói trên sẽ tạo cơ hội cho các tiêu cực phí, tình trạng tham nhũng gia tăng.
Theo điều tra của VCCI, 5 lĩnh vực mà các doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp khó khăn nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính là: Thủ tục xây dựng; bảo hiểm xã hội; thủ tục đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đầu tư; thủ tục đất đai và thủ tục thuế.
Cần bộ thủ tục đầu tư thống nhất trên cả nước
Nhằm tháo gỡ các khó khăn trên, các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có một bộ thủ tục đầu tư áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần phải có quy trình thống nhất, thực hiện "một cửa", "một cửa liên thông" để tạo thuận lợi, rút ngắn tối đa thời gian cấp phép đầu tư. Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cũng cho biết, địa phương đang rất cần một Nghị định hay một Thông tư hướng dẫn hệ thống hóa các TTHC liên quan đến cấp phép đầu tư áp dụng thống nhất trên toàn quốc, vừa thuận tiện cho cơ quan quản lý, vừa thuận tiện cho nhà đầu tư. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tích cực áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để có dữ liệu dùng chung nhằm đơn giản hóa các TTHC trong phê duyệt đầu tư.
Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện "một cửa liên thông" từ vài năm nay. Ông Lê Tuấn Linh, phụ trách bộ phận "một cửa" trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh thuộc Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, tại bộ phận "một cửa" có phòng đăng ký kinh doanh của sở, bộ phận cấp con dấu của ngành công an, rồi bộ phận của ngành thuế. Doanh nghiệp chỉ việc nộp hồ sơ, từ đó, hồ sơ sẽ được chuyển qua các bộ phận chức năng thẩm định. Theo quy định của Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 5 ngày làm việc, hồ sơ phải được xử lý xong để cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc nếu chưa cấp được thì cũng phải giải thích rõ lý do, hướng dẫn doanh nghiệp cách hoàn thiện hồ sơ. Phí đăng ký doanh nghiệp mới theo quy định của Nhà nước chỉ có 200.000 đồng. Như vậy, nếu chỉ xét các yếu tố nói trên, có thể thấy việc đăng ký doanh nghiệp là khá đơn giản, nhanh gọn và "rẻ". Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng chủ trương rất rõ ràng là trong hoàn cảnh hiện nay phải tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp hoàn thành sớm các thủ tục đăng ký kinh doanh.
Thế nhưng, đối với các loại hình kinh doanh có điều kiện mà thủ tục còn kèm theo các chứng chỉ hành nghề do các cơ quan, ban ngành khác nhau cấp (ví dụ các ngành nghề thiết kế, khảo sát, thu hồi nợ, dịch vụ bất động sản... muốn được cấp phép phải có các chứng chỉ hành nghề) thì doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức để hoàn thành. Theo ông Lê Tuấn Linh, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Đã có sẵn một danh mục các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng với sự phát triển đa dạng của nền kinh tế, mỗi ngày lại có rất nhiều hình thức kinh doanh mới phát sinh. Các hình thức kinh doanh mới này sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đăng ký kinh doanh, bởi nó chẳng thuộc bất cứ ngành nghề kinh doanh nào trong danh mục. Vì thế, nên chăng phải tạo dư địa để những ngành nghề kinh doanh mới thuận lợi hơn trong việc đăng ký.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sở dĩ các TTHC liên quan đến đầu tư phức tạp là bởi nó bao gồm trong đó cả các vấn đề về đất đai, xây dựng, môi trường... Để đơn giản hóa, cần phải thống kê được số lượng các TTHC, phân tích những yêu cầu về quản lý nhà nước, yêu cầu về sản xuất kinh doanh, rồi xác định ý nghĩa pháp lý của từng loại thủ tục. Ví dụ như thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư rất quan trọng, nhưng bản chất của nó là gì, nhà đầu tư phải làm gì?... Về trình tự thủ tục, ông Cung cho rằng, nếu các thủ tục không gắn kết với nhau thì có thể cho thực hiện song song, không chờ xong thủ tục này thì mới làm thủ tục khác.
Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường đều đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi. Đây chính là cơ hội để thiết lập một hệ thống luật tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì quá trình sửa luật cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của liên bộ, liên ngành, phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương để tránh tạo ra các quy định chồng chéo, bất hợp lý. Quá trình hoàn thiện pháp luật hiện nay nếu không được kiểm soát tốt cũng có thể tạo ra nhiều thủ tục đầu tư mới, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Trong khi chờ các Luật nói trên được xây dựng, ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, những gì có thể giải quyết bằng các văn bản dưới luật thì nên thực hiện trước. Ông Nguyễn Đình Cung cho hay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi triển khai dự án. Bộ Tư pháp cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
(Theo QĐND)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065