“NHẶT NHẠNH” ĐIỆN SỬ DỤNG
Ấp 2 có 160 hộ, với khoảng 500 người nhưng chỉ 13 hộ đầu ấp, 33 hộ cuối ấp có điện do kéo nhờ từ ấp 1, ấp 3. Còn 114 hộ (70% số dân) nằm giữa ấp, cách xa 2 nguồn điện trên nên không có điện sử dụng. Tuy có điện nhưng nguồn điện của 13 hộ đầu ấp 2 quá yếu. Lý giải cho điều này, Trưởng ấp 1 Khương Xuân Hùng cho biết: “Lúc đầu đường dây của ấp 1 có 80 hộ sử dụng. Nay tăng lên hơn 200 hộ khiến đường dây bị quá tải. Các hộ cuối ấp luôn phải chịu cảnh điện yếu. Một số hộ đầu ấp 2 kéo điện từ nguồn điện yếu của các hộ cuối ấp 1 tất nhiên sẽ yếu”.
Không có điện để dùng máy bơm nên em Lương Thị Lan Điệp hằng ngày phải phụ cha mẹ quay nước từ giếng lên
Vì thế, dù điện chỉ dùng bơm nước và chiếu sáng nhưng 13 hộ dân cũng phải vất vả mới thực hiện được. Để có điện, từ 1 đến 2 giờ sáng, người lớn thức dậy bơm nước, tranh thủ lúc các hộ đầu đường dây nghỉ ngơi. Bể chứa được xây lớn bằng xi măng. Xoong nồi, chậu lớn nhỏ được tận dụng đựng nước. Bóng điện chiếu sáng thì leo lét, ánh sáng không đủ hắt ra thềm. Sau 20 giờ, những chiếc bóng tù mù này cũng bắt đầu tắt. Người lớn đi ngủ sớm hoặc ra thềm ngồi, trẻ con học bài bằng đèn pin, đèn dầu. Lương Thị Lan Điệp, học sinh Trường cấp 2-3 Đồng Tiến ngại ngùng: “Nhà em, ba chị em phải dùng 3 chiếc đèn pin mới đủ sáng để học bài”.
Bỏ ra 30 triệu đồng kéo điện nhờ nhưng con dâu ông Hoàng Văn Hoành vừa mới sinh chỉ bế con vào phòng vào buổi tối bởi trong phòng quá nóng. Ban ngày cả nhà ra thềm cho đỡ nóng nực. Cách đó không xa, ông Nông Triệu Tiến cùng người nhà cũng ngồi lặng trước thềm, còn hai đứa cháu chạy dọc hành lang. Ông Tiến cho biết: “Nhà tôi cũng kéo nhờ từ ấp 1 nhưng điện quá yếu. Chúng tôi phải dùng thêm bình ắc quy, pin năng lượng mặt trời để chiếu sáng. Máy phát điện dùng bơm nước tưới cho 3,5 ha cây trồng. Tối không làm gì, cả nhà ra thềm hóng gió trời”.
Với cuộc sống của những hộ may mắn có điện sử dụng còn vất vả như vậy, chúng tôi không thể tưởng tượng hết cảnh thiếu điện của 110 hộ còn lại. Do nằm giữa ấp, cách xa đường điện ấp 1, ấp 3 nên họ phải tích góp điện từ nhiều nguồn khác để sử dụng. Gia đình chị Lân Thị Lạch mua pin năng lượng mặt trời nhưng nay pin đã chai, bắt nắng nguyên ngày chỉ đủ dùng tới 20 giờ nên dùng thêm đèn dầu, đèn pin. Chị mãi suy nghĩ mà chưa biết nên chọn cách nào để có điện sử dụng. Hiện nhiều hộ ấp 2 đã bán nhà, bán rẫy chuyển đi nơi khác định cư.
CHƯA THẤY “ÁNH SÁNG NGÀY MAI”
Đường điện hạ thế ấp 3 được nhà nước đầu tư đã 10 năm. Đường điện hạ thế ấp 1 do 80 hộ dân đóng góp kéo điện từ năm 2013 và chuẩn bị được nâng cấp. Đây là 2 ấp cạnh QL 14 nên kinh phí không quá tốn kém. Còn ấp 2 như đáy võng, với ấp 1, ấp 3 ở hai đầu. Ông Lục Vỹ Phú, Trưởng ấp 2 nói: “Biết các hộ đầu ấp kéo điện nhờ qua vườn cao su dễ gây cháy nổ và điện giật nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Muốn kéo điện vào ấp phải mất ít nhất 1 tỷ đồng, 20 đến 30 hộ dân không có khả năng kéo điện”.
Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tiến Ngô Việt Vỹ cho biết: “Điện lực đã vào khảo sát và thông báo kéo điện vào ấp 2 mất hơn 5 tỷ đồng với 3,7km trung thế, 1,3km hạ thế. Trung bình mỗi gia đình góp 45 triệu đồng. Tiền góp quá cao, dân không đóng nổi. Điện lực về khảo sát lại, kinh phí giảm 4/5, nhưng 1 tỷ đồng vẫn quá cao, bình quân mỗi hộ đóng 9 triệu đồng. Đó là chưa tính thêm tiền kéo dây từ trụ chính vào nhà”.
Hiện, cuộc sống của 160 hộ dân ấp 2 chủ yếu phụ thuộc vào dăm bảy sào đất. Trong khi đất bạc màu, không có điện bơm nước tưới nên chỉ thích hợp trồng cao su. Trong ấp cũng không có doanh nghiệp, công ty hoạt động nên rất khó tìm nguồn vận động. Ông Vỹ cũng cho biết thêm: “Ấp 2 có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng không có nguồn hỗ trợ nào từ nhà nước để kéo điện. Năm 2015, Binh đoàn 16 kết nghĩa với nhân dân ấp 2 có hứa hỗ trợ một số chương trình phúc lợi như xây nhà văn hóa. Thế nhưng việc kéo điện khó diễn ra”.
Hồng Điệp
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065