Một tháng sau, ngày 3-10, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố chính sách ngoại giao, ghi rõ: Với các nước lớn thì “hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”, với nước Pháp thì “mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”, với láng giềng thì “hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng tiến hóa”, với các nước nhược tiểu thì “thân thiện, ủng hộ việc xây đắp và giữ vững nền độc lập”. Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ngày 25-11 nhấn mạnh: “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”. Có thể nói đó là những nét cơ bản về chính sách đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng trong những ngày đầu cách mạng.
Cùng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện và thư đến nguyên thủ các nước Đồng minh, đến ngoại trưởng các nước lớn và đến Liên Hợp Quốc. Những thư đó thông báo sự ra đời nhà nước độc lập VNDCCH, “thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên Hiệp Quốc”. Nhưng không có thư trả lời.
Điều đó cho thấy, cùng với việc khôi phục nền kinh tế, xã hội bị đổ nát thời hậu chiến, các cường quốc lao vào cuộc chạy đua sắp xếp lại lực lượng, từ đồng minh trong chiến tranh nay có thể trở thành đối thủ hay ngược lại. Số phận các nước nhỏ đặt trên bàn Hội nghị Yalta và Hội nghị Potsdam chỉ là sự phân chia vùng ảnh hưởng tùy theo lợi ích giữa các cường quốc, mà chẳng hề quan tâm tới người dân các nước này.
Khi đó, thế giới nhìn Việt Nam vẫn chỉ là một xứ thuộc địa, người Pháp ráo riết chuẩn bị trở lại tái lập chế độ cai trị như xưa. Từ Washington ngày 25-8-1945, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ lâm thời Pháp sau ngày giải phóng Paris, tướng De Gaulle tuyên bố: “Lập trường của nước Pháp ở Đông Dương rất đơn giản. Nước Pháp khẳng định sẽ thu hồi chủ quyền của mình ở Đông Dương”.
Vào thời điểm lịch sử năm 1945, tưởng như số phận Việt Nam đã an bài trên bàn cờ quốc tế của ngũ cường (Anh, Mỹ, Pháp, Trung Hoa và Liên Xô). Nhưng không, cuộc Cách mạng tháng Tám đã phá tung sự câu kết đó, đập tan mọi âm mưu thống trị Việt Nam, đem lại nền độc lập cho Tổ quốc. Vào khoảng thời gian ngắn ngủi và hiếm có trong lịch sử, từ 15/8, khi Nhật đầu hàng, đến 5-9 khi quân Đồng minh vào nước ta, nhân dân Việt Nam đã tiến hành Tổng khởi nghĩa trong cả nước, lật đổ nền thống trị ngoại bang và triều đình phong kiến, tuyên bố thành lập Nhà nước Việt Nam độc lập. Viên sĩ quan tình báo Mỹ A.Patti, một trong số ít người nước ngoài có mặt ở Hà Nội ngay sau ngày Tổng Khởi nghĩa đã ghi lại: “Chỉ có đại biểu một vài nước lớn trên danh nghĩa Đồng Minh đã tận mắt chứng kiến ở Hà Nội dinh thự và nhà cửa dọc theo con đường đều phấp phới đầy rẫy những cờ Việt Minh (...) Chẳng thấy một bóng cờ Pháp. Chỉ có cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh”. Và J.Sainteny, viên sĩ quan tình báo Pháp cũng ghi lại cảm nhận khi từ trên máy bay nhìn xuống Hà Nội cùng dịp đó: “Trong khi máy bay lướt thấp trên vùng trời, chúng tôi nhìn thấy những chùm hoa lạ màu đỏ nở rộ rất nhanh trong thành phố như để đón chào chúng tôi. Máy bay hạ thấp hơn nữa, lúc đó chúng tôi mới phân biệt được đó là những lá cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi nhìn nhau, kinh ngạc, hiểu rằng đây không phải là sự đón tiếp mà chúng tôi hy vọng từ đáy lòng”.
Nhưng người ta không muốn công nhận sự thật ấy, nếu không tiếp tay cho chủ nghĩa thực dân thì cũng thờ ơ trước nguy cơ một quốc gia trẻ tuổi bị xâm lược trở lại. Trong điều kiện như vậy, nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến 30 năm vì độc lập và thống nhất để bảo vệ quyền lợi của dân tộc mình, để tự khẳng định mình trong cộng đồng nhân loại.
Thế là, Cách mạng tháng Tám, ngay từ phút đầu, đã ghi một điểm son trong thành tích phá vỡ thế cờ bao vây do các cường quốc sắp đặt hòng lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam. Từ đây, quốc gia Việt Nam xuất hiện trên trường quốc tế, không phải với thân phận của những kẻ nô lệ, mà trong tư thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Với tư cách ấy, Việt Nam mong muốn hội nhập quốc tế trong hòa bình và phát triển.
Do vậy, có thể nói, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo ra hai tiền đề cơ bản cho tiến trình hội nhập của Việt Nam. Đó là một quốc gia độc lập có chủ quyền và tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế. Thiếu một trong hai yếu tố đó, không thể có được những thành quả như ngày hôm nay.
Lần thứ nhất kéo dài 5 năm vào nửa sau thập niên 40 (1945 - 1950). Nhờ đó, từ đầu năm 1950, cách mạng Việt Nam đã tiến hành cuộc hội nhập vào thế giới XHCN, đối lập với thế giới TBCN. Quá trình hội nhập trong 25 năm (1950 - 1975) chủ yếu diễn ra về mặt ý thức hệ, trong lĩnh vực chính trị với sự viện trợ quân sự của các nước XHCN, đưa đến thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến đánh thắng các thế lực đế quốc Pháp và Mỹ,
Lần thứ hai kéo dài hơn mười năm (1978 - 1991) khi diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và giữ gìn biển đảo. Từ sau năm 1991, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được khôi phục và mở rộng: Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thiết lập quan hệ chính thức với Cộng đồng châu Âu, đón tiếp nhiều vị nguyên thủ các nước đến Việt Nam, ký kết tham gia Hiệp ước Bali trở thành quan sát viên của ASEAN, khôi phục quan hệ với Liên bang Nga sau sự sụp đổ của chế độ Xô viết. Quan hệ với Mỹ được tiến triển theo đúng lộ trình: Từng bước giải quyết vấn đề POW-MIA, giải tỏa việc đóng băng các tài khoản của Việt Nam ở ngân hàng nước ngoài, bãi bỏ lệnh cấm vận. Những chuyển động tích cực và khẩn trương đã đưa đến “vụ mùa bội thu” về ngoại giao vào tháng 7/1995: Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, ký Hiệp định khung giữa Việt Nam và EU, Việt Nam gia nhập ASEAN. Từ đó, Việt Nam có điều kiện mở rộng hoạt động trên trường quốc tế với vị thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đồng thời với tư cách một thành viên ASEAN.
Những thành tựu đạt được là kết quả của việc vân dụng đường lối Đổi mới đề ra từ Đại hội VI, được bổ sung và hoàn chỉnh bằng những nghị quyết Trung ương và những Đại hội tiếp sau.
Nguồn Baotintuc