Quy định như thế nhưng thực tế thì sao? Không phải mất nhiều thời gian và khó khăn gì, chỉ cần ra chợ Đồng Xoài hoặc các quán ăn vỉa hè trên đường Hồ Xuân Hương, nhìn vào bất cứ hàng ăn nào sẽ thấy hầu hết người bán dùng tay không để bốc thức ăn bán cho khách. Bàn tay chứa rất nhiều vi khuẩn, trong đó có các vi khuẩn như e.coli, norovirus... có thể gây ra tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, ngộ độc thực phẩm... Vậy mà có người vừa bán đồ tươi sống vừa bán hàng ăn chín cùng một chỗ. Tay còn dính thịt sống đã lại bốc bún, phở tươi, bánh ướt cân cho khách. Nhiều người vừa nhận tiền, trả tiền thừa cho khách vừa bốc đồ ăn chín vào tô cho khách. Các loại hàng ăn như bánh mì, bánh bao, bắp luộc, củ mì hấp... là những thứ dùng trực tiếp không qua chế biến lần nữa lại càng dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn. Và khi ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, mất vệ sinh thì khách hàng phải hứng chịu hậu quả hoàn toàn chứ không thể “bắt đền” ai được. Thế nên việc Chính phủ ban hành Nghị định số 115, tăng mức phạt đối với hành vi dùng tay trần bốc thức ăn chín thể hiện quyết tâm trong việc chấn chỉnh các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời giúp người dân thay đổi thói quen, góp phần ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm.
Câu hỏi đặt ra là việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố theo Nghị định số 115 liệu có khả thi? Hỏi những người thường xuyên ăn tại các quán vỉa hè, chúng tôi nhận được 2 luồng ý kiến. Một số cho là không khó thực hiện, bởi bằng mắt thường cũng có thể phát hiện các hành vi như không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ để bày thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn bụi bẩn hoặc người bán không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Vì thế, việc phát hiện, xử lý không khó nếu cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát nghiêm túc. Luồng ý kiến thứ hai là không dễ thực hiện, bởi những trường hợp cố tình không chấp hành quy định thì họ vẫn cứ dùng tay trần bốc thức ăn chín, hoặc dùng loại găng tay sử dụng một lần, không bảo đảm vệ sinh. Thậm chí, không phải cứ đeo găng tay là an toàn, bởi người bán hàng có thể đeo găng tay nhưng làm việc khác rồi lại tiếp xúc với thực phẩm chín. Bên cạnh đó, hàng ăn vỉa hè, ngoài chợ tràn lan, lực lượng nào có đủ người “rải” khắp nơi để phát hiện và xử phạt!?
Có người nói, việc xử phạt người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín rồi cũng giống như việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng; hay quy định “bán thịt trong 8 giờ” trước đây mà thôi. Đã là quy định của pháp luật thì khi đưa ra thực hiện phải thật chặt chẽ, không thể để cho đối tượng mà quy định điều chỉnh có thể thực hiện kiểu đối phó. Điều quan trọng nhất để quy định này đi vào cuộc sống chính là sự tự giác của người dân. Bởi thế, cách duy nhất là nâng cao ý thức cả người mua và người bán. Phải tăng cường tuyên truyền và bằng nhiều cách để cả người mua và người bán hiểu rằng: an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm nhưng cũng là quyền lợi của chính họ.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065