>> 5 tiêu chuẩn để trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1
LTS: Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa hoàn tất dự thảo thông tư ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2. Dự thảo thông tư này cũng đã được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và giáo viên, phụ huynh học sinh trong cả nước. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc và các thầy cô giáo về những dự thảo tiêu chuẩn để trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
* Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường
Nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý của nhà trường có hiệu quả. Thực hiện công tác quản lý một cách sáng tạo, phát huy được khả năng của giáo viên, nhân viên trong việc xây dựng và phát triển nhà trường. Phân công nhiệm vụ cụ thể hằng năm cho từng giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường trong các hoạt động giáo dục, trong đó có công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em gái. Tổ chức cho 100% giáo viên được tham gia bồi dưỡng thường xuyên và sinh hoạt chuyên đề thiết thực và hiệu quả.
* Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh
Trình độ đào tạo của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng từ đại học sư phạm trở lên. Kết quả đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hằng năm theo quy định chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học đạt mức xuất sắc. Có giáo viên chuyên dạy các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngoại ngữ và Tin học; có giáo viên tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh chuyên trách. Có 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 70% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.
Về năng lực chuyên môn: Có sáng tạo, linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp tích cực trong dạy học và giáo dục học sinh. Mỗi giáo viên có ít nhất 1 báo cáo cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong 1 năm học. Có kế hoạch giảng dạy riêng cho học sinh giỏi, học sinh yếu của lớp; sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy một cách hiệu quả; tham gia đầy đủ các hoạt động chuyên môn, chuyên đề và hoạt động xã hội do nhà trường tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
Giáo viên hết lòng thương yêu học sinh và tận tụy với nghề; không làm tổn thương học sinh trước tập thể; không nhận xét khuyết điểm của học sinh trước phụ huynh học sinh. Mỗi giáo viên phải có kế hoạch phấn đấu sau khi được đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT hướng dẫn để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn. Kế hoạch này phải được lưu trong hồ sơ cá nhân của giáo viên. Có ít nhất 50% giáo viên đạt loại khá, ít nhất 30% giáo viên đạt loại xuất sắc theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Có ít nhất 60% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó có ít nhất 30% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) trở lên.
* Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học
Nhà trường phải đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế về hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông. Có các phòng riêng biệt để dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật và Tin học; có phòng thường trực, có phòng để dạy riêng cho học sinh có khó khăn đặc biệt. Các phòng chức năng có các thiết bị thiết yếu được sắp sếp hợp lý, khoa học để phục vụ các hoạt động của nhà trường. Khu nhà bếp, nhà ăn của học sinh, nhà nghỉ phải đảm bảo điều kiện sức khỏe và an toàn, vệ sinh cho học sinh; có nơi lưu trữ hồ sơ, tài liệu chung.
Thư viện phải có nhật ký hoạt động hàng ngày; hoạt động của thư viện đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, dạy học của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Nhà trường có một số thiết bị hiện đại (máy tính, máy chiếu projector) để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Có tủ đựng hồ sơ, đồ dùng dạy học cho giáo viên và học sinh tại mỗi phòng học. Thiết bị phục vụ dạy học và thiết bị dạy học tự làm được sử dụng hiệu quả cao và được tăng cường, bổ sung hàng năm.
* Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
Hàng năm, nhà trường tổ chức tọa đàm, cam kết và ký biên bản với UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) về tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật.
* Tiêu chuẩn 5: Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục
Thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học: Có kế hoạch giáo dục cụ thể để bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, phụ đạo nâng cao trình độ cho học sinh yếu và kế hoạch giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật; có chủ đề giáo dục mỗi năm học phù hợp với đặc điểm riêng của nhà trường; có ít nhất 60 % học sinh học 2 buổi/ngày và có kế hoạch để tất cả học sinh được học 2 buổi/ngày.
Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp theo kế hoạch với các hình thức đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển của học sinh và đạt kết quả tốt; tăng cường giáo dục kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi học sinh; dành thời gian thích hợp cho học sinh được học tập và thực hiện các hoạt động ngoại khóa trong năm học.
Về công tác phổ cập giáo dục tiểu học: Xã nơi trường đóng được công nhận phổ cập quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, không có người mù chữ trong độ tuổi; có kế hoạch và biện pháp cụ thể để huy động hết trẻ trong độ tuổi tới trường và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm duy trì sĩ số, giảm học sinh lưu ban.
Tỷ lệ học sinh xếp loại trung bình trở lên đạt 100%; tỷ lệ học sinh xếp loại khá đạt ít nhất 45%; xếp loại giỏi đạt ít nhất 25%. Tăng cường các hoạt động vui chơi, luyện tập thể dục thể thao nhằm phát triển thể chất cho học sinh; phát hiện, tạo điều kiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu; tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt ít nhất 95%; số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98% trở lên.
ĐT
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065