Gần đây, các mạng di động ở Việt Nam đều lên tiếng việc giá cước dịch vụ 3G ở Việt Nam hiện đang ở mức quá thấp và muốn tăng giá dịch vụ này.
Bán dưới giá thành
Đầu tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức đề xuất với Bộ TT-TT tăng giá cước dịch vụ 3G.
Theo ông Tống Việt Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel, số thuê bao sử dụng dịch vụ 3G đang tăng nhanh và tương lai gần smartphone chiếm tỷ lệ lớn trên mạng, nhưng mức cước 3G ở Việt Nam hiện nay quá thấp. Trong thời gian đầu các mạng di động cung cấp dịch vụ 3G, do cạnh tranh nhau rất mạnh, nên các mạng đã đặt giá cước tương đối thấp so với giá thành để mong thu hút thuê bao và tăng lưu lượng mạng đã đầu tư. Thế nhưng, đến nay mức cước 3G quá thấp đã phát sinh bất cập. Giá cước 3G hiện đang bán dưới giá thành, nếu không tăng cước 3G, nhà mạng sẽ không còn nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới.
Như vậy, về lâu dài nếu duy trì mức cước 3G dưới giá thành thì người dùng cũng sẽ bị thiệt do nhà mạng không đủ sức đầu tư nâng chất lượng mạng cũng như mở rộng vùng phủ sóng của 3G. Theo tính toán của các chuyên gia viễn thông, giá cước dịch vụ 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước châu Âu.
Trước đó, đầu tháng 4-2013, hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone cũng tăng giá gói cước 3G không giới hạn từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng (bằng giá với gói cước không giới hạn của Viettel) và điều chỉnh một loạt các gói cước dịch vụ 3G khác (thực chất là tăng giá).
Theo số liệu mới nhất của Bộ TT-TT, các mạng di động Việt Nam đã đầu tư khoảng 28.000 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD) cho mạng 3G, phủ sóng 3G tới 90% dân số. Đầu tư lớn là như vậy, song các nhà mạng lại đưa ra các gói cước giá thấp, lý do là để cạnh tranh lẫn nhau và thu hút người sử dụng. Do vậy, có thể nói rằng, giá cước 3G trên thị trường hiện thuộc hàng rẻ, cụ thể gói cước không giới hạn là 50.000 đồng/tháng, gói cước dành cho sinh viên là 35.000 đồng/tháng.
Theo thống kê của các nhà mạng, giá dịch vụ 3G đang được bán chỉ bằng 35% - 68% so với giá thành.
Áp lực từ OTT
Một áp lực nữa khiến các nhà mạng phải đề xuất tăng giá 3G mà không thể không nhắc tới dịch vụ Over the top content (OTT) cho phép gọi điện và nhắn tin miễn phí trên nền 3G trở nên nóng bỏng tại Việt Nam từ đầu năm 2013 với những dịch vụ ngày càng trở nên quen thuộc ở Việt Nam như: Viber, Kakao Talk, Zalo, Line… Còn theo số liệu của Bộ TT-TT, cả nước có 20 triệu thuê bao 3G và nếu tất cả đều sử dụng các dịch vụ OTT thì đây sẽ là thiệt hại lớn cho nhà mạng.
Thực tế, từ khi dịch vụ này mới “nhen nhóm” vào Việt Nam, lãnh đạo các tập đoàn VNPT, Viettel đã bày tỏ lo ngại các dịch vụ OTT sẽ gây thất thu cho nhà mạng và theo thời gian, lượng người sử dụng OTT càng lớn sẽ càng gây thiệt hại cho nhà mạng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, từng cho biết, nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40% - 50%. Khi những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin… đang chiếm đến 80% doanh thu hàng năm của các nhà mạng (trên 100.000 tỷ đồng) thì đồng nghĩa các nhà mạng sẽ mất gần 50.000 tỷ đồng mỗi năm nếu khách hàng đều dùng các dịch vụ OTT qua mạng 3G.
Ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Viễn thông của VNPT cho biết, các dịch vụ OTT như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua môi trường internet gây thiệt hại rất lớn đến doanh thu của các mạng di động Việt Nam cũng như thế giới. Dịch vụ này làm ảnh hưởng 9% -10% doanh thu của các nhà mạng trên thế giới. Việc duy trì mức cước 3G dưới giá thành như hiện nay kèm các dịch vụ OTT miễn phí thoại và SMS thì trước mắt khách hàng sẽ được lợi.
Nhưng xét về lâu dài khi nhà mạng không còn đủ sức tái đầu tư mạng lưới thì khách hàng là người chịu thiệt thòi. Vì vậy, tăng cước 3G để nhà mạng có đủ sức đầu tư mạng lưới và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng dịch vụ chất lượng tốt sẽ đem lại sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông.
|
|
(Theo SGGP)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065