BPO - Bước vào chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phân tán lực lượng cơ động chiến lược, làm thất bại Kế hoạch Nava, giải phóng đất đai, tạo thế và lực chuyển biến cục diện chiến tranh giành thắng lợi quyết định, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định điều bộ đội chủ lực Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Lào và Campuchia mở các đòn tiến công chiến lược trên chiến trường Đông Dương.
Về phía đối phương, do liên tiếp thất bại trong các chiến dịch tiến công và phản công của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm 1950 - 1953, thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề về lực lượng, thiệt hại lớn về tài chính. Để cứu vãn tình thế, chúng buộc phải tăng thêm quân số, thay đổi kế hoạch tác chiến và “thay máu” đội ngũ chỉ huy. Tháng 5-1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, tướng H. Nava - Tham mưu trưởng Lục quân khối Bắc Đại Tây Dương được cử làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau khi tới Đông Dương, H. Nava cho ra đời kế hoạch quân sự mới: “Kế hoạch Nava”.
Bộ đội Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc trong Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Ảnh tư liệu |
Theo kế hoạch, quân đội Pháp trong Thu - Đông 1953 sẽ tiến hành phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, đến mùa Xuân 1954 tiến công chiến lược ở miền Nam, tới Thu - Đông 1954 sẽ chuyển lực lượng cơ động ra Bắc Bộ thực hiện các đòn tiến công chiến lược, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng ta, giành thắng lợi quân sự to lớn, kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng, buộc ta phải đàm phán trong tình thế có lợi cho chúng. Nếu không chấp nhận những điều kiện của Pháp, chúng sẽ tiến công tiêu diệt chủ lực ta. Đây là kế hoạch chiến lược có quy mô rộng lớn, thể hiện sự tập trung cố gắng lớn và cuối cùng của thực dân Pháp có sự giúp sức của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.
Thực hiện kế hoạch, H. Nava và Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp tập trung một lực lượng cơ động gồm 44 tiểu đoàn (trên 50% lực lượng cơ động toàn Đông Dương) ở đồng bằng Bắc Bộ, liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét vùng chiếm đóng, đưa quân ra Ninh Bình, Nho Quan, uy hiếp Thanh Hóa, nhảy dù xuống Lạng Sơn, uy hiếp Phú Thọ, quấy rối ở Tây Bắc. Sau đó, tướng Pháp chỉ huy quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, lấy lại Nà Sản, củng cố Lai Châu, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc.
Về phía ta, tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Định Hóa (Thái Nguyên), bàn về nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953-1954 nhằm làm thất bại kế hoạch Nava của địch. Trên cơ sở nhận định, phân tích tình hình của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tư tưởng chỉ đạo chiến lược trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954. Người nhấn mạnh: “Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra thì dễ bẻ gẫy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra làm năm, làm bảy mảng mà tiêu diệt dần, làm cho chúng thất bại hoàn toàn”.
Về hướng hoạt động, “lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác làm hướng phối hợp”. Đồng thời, Bộ Chính trị xác định rõ chủ trương tác chiến trong Đông - Xuân 1953-1954 là: “Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ, do đó phải phân tán binh lực mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm những bộ phận sinh lực của chúng” và phương châm tác chiến là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.
Thực hiện chủ trương trên, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đặt kế hoạch tác chiến trên bốn hướng: Tây Bắc và Thượng Lào, đồng bằng Bắc Bộ, Trung, Hạ Lào và phát triển sang đông Campuchia, Tây Nguyên (Liên khu V). Từ giữa tháng 11-1953, quân chủ lực của ta bắt đầu tấn công theo các hướng đã định. Phát hiện hướng tấn công chủ yếu của quân ta lên Tây Bắc và sang Trung Lào, thực dân Pháp vội điều lực lượng lớn quân đội lên hướng đó, đổ bộ lực lượng quân cơ động chiến lược xuống Cánh đồng Mường Thanh, chiếm Điện Biên Phủ để bảo vệ vùng có ý nghĩa chiến lược này, đồng thời đưa một bộ phận lực lượng xuống Trung Lào nhằm ngăn chặn quân ta tiến công.
Trước tình hình đó, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua lần cuối phương án tác chiến Đông - Xuân 1953-1954. Để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp mở năm đòn tiến công chiến lược trên các mặt trận Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào. So với quyết định mở các đòn trên bốn hướng (9-1953), quyết định trên của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy khi tình hình chiến sự thay đổi là hết sức đúng đắn, kịp thời.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ, ngay từ tháng 11-1953, các đơn vị bộ đội chủ lực được giao nhiệm vụ lần lượt hành quân đến vị trí tập kết ở từng mặt trận bí mật, an toàn, hình thành thế trận mới. Khi bước vào chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, ta lần lượt tổ chức các chiến dịch trên khắp các chiến trường ba nước Đông Dương: Lai Châu (từ 10 đến 31-12-1953), Trung Lào (Đợt 1: Từ 21 đến 25-12-1953; Đợt 2: từ 1 đến cuối tháng 4-1954), Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia (từ 1 đến 4-1954), Bắc Tây Nguyên (26-1/17-2-1954) và Thượng Lào (29-1/13-2-1954).
Bằng năm đòn tiến công chiến lược trên, ta chẳng những tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với hàng chục vạn dân mà còn làm phá sản âm mưu tập trung quân cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ của kế hoạch Nava. Địch buộc phải phân tán lực lượng lên Điện Biên Phủ, Trung và Hạ Lào, Tây Nguyên và Thượng Lào. Ở mặt trận sau lưng địch, quân dân ta cũng đẩy mạnh chiến tranh du kích, khiến địch luôn phải huy động lực lượng cơ động ứng phó khắp nơi. Kế hoạch Nava rơi vào tình trạng bị động đối phó.
Thực tế diễn biến trên chiến trường Đông Dương cuối năm 1953 đầu năm 1954 đã chứng minh những nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến của Bộ Chính trị là đúng đắn, thể hiện tài thao lược của Ban lãnh đạo tối cao trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng. Thắng lợi to lớn của năm đòn tiến công chiến lược trên mặt trận chính diện cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích vùng sau lưng địch đã tạo điều kiện cho bộ đội ta tác chiến chiến dịch quy mô lớn thắng lợi, đỉnh cao là trận quyết chiến chiến luợc Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065