Vì sao lại chọn ngành y?
Mở đầu buổi giao lưu, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam, giáo sư Phạm Mạnh Hùng đặt câu hỏi với các tân sinh viên: Vì sao lại chọn ngành y?
Trả lời câu hỏi này, em Ngô Vương Minh, sinh viên ngành Bác sỹ Đa khoa, Đại học Y Hà Nội cho biết em chọn y vì yêu thích ngành học này từ bé. Gia đình em cũng anh trai làm trong ngành y, bố làm về dược.
“Nhưng vào trường, em thật sự choáng với lịch học dày đặc. Sáng học lý thuyết, chiều đến thực tập ở bệnh viện. Kiến thức không còn là những bài toán chỉ cần tư duy suy luận logic như ở trung học phổ thông mà rất trừu tượng, nhiều khi đọc đến hai lần vẫn không hiểu,” Minh chia sẻ.
Lương Thanh Bình, sinh viên Đại học Y, dược Thái nguyên thì cho biết em chọn ngành y để chữa bệnh cứu người. “Vẫn còn nhiều bệnh nhân khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, điều kiện y tế thiếu thốn. Em muốn giúp đỡ họ và sẵn sàng đi bất kỳ đâu để giúp đỡ người bệnh,” Bình chia sẻ.
Với Nguyễn Thị Minh Chi, Đại học Dược Hà Nội, em chọn dược ban đầu vì thích hóa học. “Nhưng càng tìm hiểu em lại càng muốn học dược. Dù làm việc thầm lặng hơn bác sỹ nhưng công việc của dược sỹ cũng quan trọng không kém để giúp người bệnh,” Chi nói.
Câu trả lời của các tân sinh viên đã phần nào làm ấm lòng các chuyên gia y tế lão thành.
Sinh viên y nên học thế nào?
Bắt đầu phần chia sẻ của mình, giáo sư Phạm Mạnh Hùng cho rằng các tân sinh viên hãy coi buổi gặp gỡ hôm nay như một bài giảng, “nhưng là những bài giảng không có một, hai la mã mà chỉ là chia sẻ đầy tâm huyết của các thầy, các em lắng nghe và tự tổng hợp.”
Theo giáo sư Hùng, điều cần ghi nhớ với sinh viên ngành y là phải luôn đặt mình vào vị trí người bệnh và luôn hết lòng phục vụ bệnh nhân.
“Có nhiều gương người tốt nhưng trong thực tế, các em sẽ có thể thấy những gương xấu ngay trong ngành của mình. Khi đó các em có làm theo không? Điều đó các em phải suy nghĩ ngay từ hôm nay, dù mới chỉ là sinh viên năm nhất,” thầy Hùng nói.
Giáo sư Vũ Triệu An dù đã 92 tuổi nhưng vẫn đến tham dự buổi gặp mặt. Ông đã khiến các sinh viên ngỡ ngàng và cảm phục về tinh thần làm việc và học hỏi không ngừng khi cho biết mình đang viết một cuốn sách về những nhà khoa học đã đoạt giải Nobel y học. Giáo sư Triệu An khuyên các tân sinh viên phải giỏi ngoại ngữ để có thể học tập và làm việc hiệu quả hơn. Bản thân ông cũng là tấm gương cho tinh thần học tập không ngừng.
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ lại chia sẻ về những vất vả của nghề điều dưỡng. Với hàng chục năm trong nghề, bà Hồ nhắn nhủ các sinh viên phải xác định đây là nghề nhiều khó khăn và đòi hỏi người điều dưỡng phải luôn lạc quan khi đến với bệnh nhân.
“Lúc đau buồn, bệnh nhân với đến với chúng ta. Bác sỹ chỉ khám xong là đi, nhưng làm điều dưỡng, thời gian ở bên bệnh nhân rất nhiều nên phải chăm sóc, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, động viên để họ vui và lạc quan hơn,” bà Hồ nói.
Thầy Lê Ngọc Trọng nhắn nhủ các tân thủ khoa nên giữ vững phong độ, không chủ quan dẫn đến thụt lùi khi bước vào giảng đường đại học. Trong quá trình học cần nắm vững kiến thức nhưng phải gắn với lâm sàng và rèn luyện thực hành, tham gia nghiên cứu khoa học.
Mảnh đất y học còn nhiều khoảng trống
Các chuyên gia y học cũng chỉ cho các sinh viên thấy, ngành y vẫn đang còn nhiều khoảng trống cần các em nỗ lực để khai phá.
Theo giáo sư Phạm Mạnh Hùng, cứ 100 bệnh thì hiện nay y học chỉ chữa được 10-15 bệnh. Khoảng 10-15 bệnh không chữa cũng khỏi, 15 bệnh không chữa được. Khoảng 50 bệnh còn lại chuyển từ cấp tính sang mãn tính kéo dài, ví dụ như viêm họng là bệnh rất dễ thành mãn tính.
“Đừng nghĩ y học hiện đại đã giải quyết được các vấn đề. Chúng ta vẫn không chữa được hết các bệnh và vẫn còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu,” thầy Hùng nói.
Là người cả đời gắn bó với nghề y, giáo sư Hùng cũng khuyên các sinh viên luôn phải chuyên tâm trong điều trị bệnh nhân vì nghề y là chữa bệnh cho con người, và cùng một bệnh, tùy thuộc vào thể trạng từng người, lại có cách điều trị khác nhau.
“Không có nghề nào đòi hỏi nhiều kinh nghiệm như nghề y. Chúng ta chữa khỏi cho 99 người nhưng người thứ 100 chưa chắc đã khỏi. Vì thế không được chủ quan,” thầy Hùng chia sẻ.
Thầy Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng việc nghiên cứu để tìm cách nâng cao tầm vóc, giống nòi con người Việt Nam cũng đang là vấn đề cần phải quan tâm hơn nữa.
Lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia y học lão thành, em Hoàng Thị Ngọc Anh, sinh viên trường Đại học Y Thái Bình cho biết em thực sự rất xúc động. “Đây là một ngày rất ý nghĩa với em. Các thầy đã không chỉ dạy cho chúng em phương pháp học tập mà còn tiếp thêm cho chúng em niềm tin, tình yêu với nghề. Chúng em hiểu sâu sắc hơn mình không chỉ trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn và cả đạo đức nghề nghiệp,” Ngọc Anh chia sẻ.
Theo giáo sư Phạm Mạnh Hùng, những buổi gặp mặt với tân sinh viên y, dược đã được Tổng Hội y học Việt Nam thực hiện từ năm 2011. “Chúng tôi muốn hướng đến đối tượng sinh viên năm nhất để giúp các em xác định được cho mình phương pháp học tập và tâm thế đến với nghề,” thầy Hùng nói.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065