BPO - Ca trù được định hình với tư cách là một thể loại ca nhạc có đặc trưng, phong cách riêng vào khoảng thế kỷ 15. Tùy từng địa phương, từng không gian diễn xướng mà hát Ca trù còn được gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò hay hát ca công.
Ca trù được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cùng với một số trò diễn và múa dân gian. Chính vì vậy, Ca trù là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp với nét độc đáo là sự phối hợp đa dạng, tinh tế, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa. Xuất hiện sơ khai vào đầu thế kỷ 11, bắt đầu thịnh hành trong nước từ thế kỷ 15 nhưng đến nửa cuối thế kỷ 20, Ca trù mới được thế giới biết đến lần đầu tiên qua tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ (1909-2001). Dần dần sau đó, Ca trù còn được nhiều nhạc sĩ, nhạc học gia nước ngoài theo học, tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm cùng với những biến cố của lịch sử, cho tới nay, Ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại.
Ca trù hiện có ở 14 tỉnh, thành trong cả nước: miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc); miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình); miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, nhiều nơi trước đây có giáo phường Ca trù ở châu thổ Bắc Bộ hiện vẫn có đền thờ tổ Ca trù như làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) có đình ca công; làng Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) có đền Tổ Cô đầu hay đền Bạch Hoa công chúa; làng Phượng Cách (xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cũng có di tích đền thờ tổ Ca trù.
Biểu diễn ca trù - Ảnh internet
Hát Ca trù có 5 không gian trình diễn chính: hát cửa đình (hát thờ), hát cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), hát tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi). Mỗi không gian có một lối hát và cách thức trình diễn riêng. Ca trù xưa được tổ chức chặt chẽ thành phường, giáo phường, do trùm phường và quản giáp cai quản. Ca trù có qui định về sự truyền nghề, cách học đàn, học hát, việc cho phép đào nương vào nghề (lễ mở xiêm áo), việc chọn đào nương đi hát thi…
Tham gia biểu diễn Ca trù có ít nhất 3 người: một nữ ca sĩ gọi là “đào nương” hay “ca nương” hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp (phách là một nhạc cụ làm bằng gỗ hoặc tre, được gõ bằng 2 que); một nam nhạc công gọi là “kép” đệm đàn đáy cho người hát (đàn đáy là một loại đàn cổ, dài, có 3 sợi dây tơ và 10 phím đàn); một người điểm trống chầu gọi là “quan viên”. Trong đó, ca nương là một trong 3 thành phần quan trọng. Để trở thành một người ca nương được mọi người công nhận, người nghệ sỹ phải trải qua quá trình học hỏi, luyện tập, trau dồi và vượt qua rất nhiều thử thách.
Trong Ca trù có các thể cách chỉ các làn điệu hát, hình thức diễn xướng múa, diễn, nghi lễ, việc thi cử trong Ca trù. Khi thể cách là làn điệu hát, thì “thể cách” hoàn toàn trùng hợp với “làn điệu” (ví dụ thể cách Hát nói, Bắc phản,…). Một điệu có thể là một bài hát nhưng cũng có thể bao gồm nhiều bài; mỗi bài bao giờ cũng chỉ có một lời ca với tên gọi riêng của nó. Thể cách cũng chỉ một tiết mục múa hoặc diễn xướng, thậm chí một nghi lễ trong trình diễn Ca trù, một trình diễn kỹ thuật về sử dụng trống hoặc đàn. Trong nghệ thuật biểu diễn Ca trù, số thể cách có sự thêm bớt thành các biến cách, làm phong phú thêm cho thể cách Ca trù. Tư liệu Hán Nôm hiện đã ghi nhận được 99 thể cách Ca trù; có thể chia thành 3 nhóm: nhóm hát thuần túy gồm 66 làn điệu, bao gồm 5 nhóm nhỏ là hát, đọc, nói, ngâm, thổng;nhóm kết hợp hát - múa - diễn gồm 19 thể cách; nhóm nghi lễ và trình diễn nghề trong thi cử gồm 14 thể cách.
Ca trù có nhiều điệu hát, thể hát sử dụng các thể thơ quen thuộc và thuần Việt như: lục bát (điệu Bắc phản, Chừ khi, Cung bắc, Nhịp ba cung bắc, Đại thạch, Hãm, Hồng hạnh, Non mai, Thư phòng, Mưỡu, Ngâm vọng, Thổng…); song thất lục bát. Ngoài ra còn có các thể thơ 7 chữ và 1 câu lục cuối bài, thể thơ 7 chữ và 1 câu lục bát cuối bài, thể thơ Đường luật, thể phú, thơ Đường luật trường thiên. Đặc biệt, thể hát nói (thơ 8 chữ) là thể thơ dành riêng cho Ca trù. Hát nói có thể coi là một sáng tạo độc đáo của Ca trù bởi trong các làn điệu dân nhạc Việt Nam, chỉ có Ca trù mới hình thành nên thể thơ này. Hát nói sử dụng thể thơ độc đáo không chỉ ở nội dung và hình thức mà còn ở chỗ nó vừa là một điệu hát của Ca trù vừa là một thể loại văn học. Hát nói có một cấu trúc hoàn chỉnh, ổn định và mang tính đặc thù, khu biệt với các thể thơ khác. Trong hát nói, các yếu tố khuôn khổ, câu kết thúc, cách tổ chức vần luật… được quy định rất chặt chẽ. Một bài hát nói không phụ thuộc vào bài nhạc nhất định. Nghệ nhân hát nói, khi biểu diễn, hoàn toàn chịu sự chi phối của lời thơ.
Cùng với thơ, múa cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên nét đặc sắc, riêng biệt của nghệ thuật hát Ca trù. Có nhiều điệu múa được sử dụng trong Ca trù như: múa Bài Bông (thường được biểu diễn trong hát cửa đình), múa Đại Thạch (thường được biểu diễn trong hát thờ và hát thi), múa Bỏ Bộ và múa Tứ Linh (chỉ có trong hát thờ)...
Ca trù đã được Hội đồng thẩm định di sản của UNESCO đánh giá như sau:
- Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên nét đặc trưng cho Ca trù. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng Ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị nghệ thuật độc đáo của nó đối với văn hóa Việt Nam.
- Ca trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt. Theo các nghệ nhân dân gian, Ca trù có rất nhiều thể thức hoặc giai điệu khác nhau, mỗi loại này được gọi là thể cách. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu. Từ Ca trù, một thể thơ độc đáo đã ra đời và có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc, đó là thể hát nói với hàng nghìn bài thơ chữ Nôm chứa đựng rất nhiều tâm trạng và biến thái tinh tế của tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Về âm nhạc, ba loại nhạc cụ là đàn đáy, phách và trống, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở nên những nhạc khí đặc trưng của Ca trù, góp phần đưa Ca trù trở thành một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. Trên thế giới, ít có một bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có ba người cùng với nhạc cụ đàn đáy, cỗ phách, trống chầu phối hợp lại mà thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu… làm mê hoặc lòng người như Ca trù.
- Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng và có sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ Ca trù song sức sống của Ca trù hiện nay vẫn chưa phải ở mức cao và vẫn cần phải được bảo vệ hơn nữa để tăng khả năng tồn tại và phát triển. Việc duy trì thường xuyên các buổi biểu diễn Ca trù tại các Câu lạc bộ và nâng cao chất lượng nghệ thuật của loại hình này là vấn đề đặt ra đối với công việc bảo vệ Ca trù. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao nhận thức về Ca trù để có thêm nhiều công chúng thưởng thức, khẳng định vị thế trong xã hội hiện đại; đồng thời cần phải hỗ trợ các nghệ nhân lớn tuổi và khuyến khích những ca nương, kép đàn trẻ học hỏi và tham gia truyền dạy Ca trù cho các thế hệ sau.
Với sự đồng thuận, tự nguyện và hiểu biết đầy đủ của các cộng đồng hát Ca trù tại Việt Nam, cùng các kế hoạch hành động, trách nhiệm, cam kết, ủng hộ và hỗ trợ của các cơ quan nhà nước đối với việc bảo vệ Ca trù, ngày 1-10-2009, tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Ca trù của Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Vĩnh Hòa
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065