BP - Luật Báo chí hiện hành đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-1999 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-1999. Sự ra đời của Luật Báo chí đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động báo chí trong nước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin như hiện nay. Thậm chí có những quy định mà các cơ quan báo chí từ trung ương đến các địa phương không thể thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc “cả làng” báo đều vi phạm và như vậy chẳng ai phê bình ai nên cũng “huề” cả làng.
Không đăng thì sai, đăng thì không có “đất”
Cụ thể là quy định về trách nhiệm của báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân là một minh chứng. Tại điều 5 Luật Báo chí có quy định như sau: Cơ quan báo chí có trách nhiệm: 1) Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do; 2) Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Đây là quy định không những thiếu tính khả thi mà còn không thể thực thi nên hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm. Vì trong thực tế, cơ quan báo chí không thể đăng hoặc phát sóng mọi tác phẩm hay bất kỳ ý kiến hoặc kiến nghị của công dân; đồng thời, các cơ quan báo chí cũng không có khả năng trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng tải hoặc không phát sóng tác phẩm, ý kiến của họ.
Hội Nhà báo Bình Phước quán triệt Nghị định số 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản cho hội viên - Ảnh: S.H
Mặt khác, thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, giải tỏa bồi thường và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...nên số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà các cơ quan báo chí nhận được là rất lớn. Nếu các cơ quan báo chí không chọn lọc mà đăng tải hoặc phát sóng toàn bộ thì phải tăng trang báo, tăng thời lượng phát sóng một cách không hợp lý. Đối với các cơ quan báo chí hoạt động chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp, việc tăng trang còn có thể được, nhưng với những cơ quan báo chí tự hạch toán thu chi thì chắc chắn rất khó thực hiện. Đó là chưa kể đến thủ tục hành chính, muốn tăng trang phải xin giấy phép của Bộ Thông tin - Truyền thông.
Đặc biệt là trong tình hình khiếu nại, tố cáo như hiện nay, các cơ quan báo chí không thể đăng tải hoặc phát sóng các ý kiến khiếu nại, tố cáo của công dân mà chưa xác minh, điều tra. Hơn nữa, các cơ quan báo chí cũng không đủ biên chế và điều kiện để tổ chức điều tra, xác minh tất cả vụ việc theo đơn thư gửi đến mà thông thường, chỉ có thể làm công văn chuyển đơn của công dân đến cơ quan hữu quan xử lý.
Chồng chéo và bất cập
Một bất cập nữa là chồng chéo và thiếu thống nhất về các quy định giữa Luật Báo chí với các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Cụ thể là quy định về việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí. Theo đó, tại Điều 12 Luật Báo chí có quy định như sau: Cơ quan chủ quản bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với người đứng đầu cơ quan báo chí trực thuộc sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Theo quy định này, cơ quan chủ quản khi thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với người đứng đầu cơ quan báo chí trực thuộc sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Còn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí thì cơ quan chủ quản không phải trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Luật quy định là vậy, nhưng tại Khoản 3, Điều 6 trong Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí lại quy định như sau: Cơ quan chủ quản báo chí bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng biên tập, phó tổng biên tập (báo in, báo điện tử), tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc (đài phát thanh, đài truyền hình, cơ sở nghe - nhìn thời sự) sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông).
Không còn phù hợp với thực tiễn
Một bất cập nữa là khi Luật Báo chí hiện hành và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì hệ thống báo điện tử chưa phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Chính vì vậy có nhiều quy định về quản lý báo chí không phù hợp khi áp dụng với loại hình báo điện tử. Cụ thể là báo điện tử không xuất bản theo kỳ mà cập nhật tin, bài theo từng phút nên khi phát hiện sai sót thì có thể chỉnh sửa hoặc gỡ bỏ từng phần, thậm chí gỡ bỏ cả tin, bài ra khỏi trang báo. Do vậy, rất khó xác định bản nào được coi là bản gốc để lưu chiểu, lưu trữ cũng như khó có căn cứ để khởi kiện hoặc buộc cải chính khi báo có sai phạm. Vì vậy, những quy định về cải chính, lưu trữ đối với báo điện tử như quy định của Luật Báo chí hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này là không cần thiết vì không còn phù hợp.
Mong rằng những bất cập, chồng chéo trên đây sớm được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí kiến nghị để Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế của hoạt động báo chí.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065