Hiện tại, giá mủ cao su ở mức 70 triệu đồng/tấn, với năng suất trung bình 2 tấn/ha, mỗi năm 1 ha cao su có thể cho thu nhập khoảng 140 triệu đồng. Giá ca cao hiện đang dao động 40-45 triệu đồng/tấn, năng suất trung bình trồng xen trong vườn điều 1,8 tấn/ha, cho thu nhập khoảng 75 triệu đồng/ha, cộng thêm 2 tấn hạt điều/ha thì mỗi năm 1 ha trồng điều xen ca cao thu khoảng 115 triệu đồng. Chưa tính giá thị trường lên xuống, so sánh hai mô hình trồng cây công nghiệp này, có thể thấy, trừ chi phí đầu tư và công lao động, trồng cao su cho hiệu quả kinh tế thấp hơn so với trồng ca cao xen điều.
CƠ HỘI CỦA NGƯỜI NGHÈO
Bình Phước đã tăng cường hợp tác để phát triển ca cao thông qua các dự án hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài từ nhiều năm trước. Năm 2005-2007, dự án phát triển ca cao cho các nông hộ nhỏ ở Việt Nam do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ đã triển khai, hỗ trợ giống cây ca cao ghép và kỹ thuật trồng cho nông dân, nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông. Năm 2010, dự án phát triển nông nghiệp bền vững do tổ chức Roots of Peace (ROP) triển khai tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển ca cao tại Bình Phước.
Chị Huỳnh Thị Nga ở ấp 8, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) bên vườn ca cao xen điều bội thu
Ngoài ra, Bình Phước đã nhận được sự quan tâm của các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các trường đại học, tổ chức phi chính phủ xúc tiến nghiên cứu, điều tra đánh giá, quy hoạch, xây dựng chương trình phát triển ca cao tại địa phương. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được bộ quy trình kỹ thuật trồng xen ca cao trong vườn điều, khảo nghiệm các giống ca cao nhập nội như: TD1, TD3, TD5, TD6 đều cho thấy có triển vọng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.300 ha ca cao, trong đó 500 ha đã cho thu hoạch. Năng suất bình quân đạt 1,8 tấn/ha, cá biệt có hộ thâm canh trồng thuần ca cao đạt 2,5-3 tấn/ha. Hạt ca cao ở Bình Phước được đánh giá có chất lượng cao hơn so với ca cao trồng ở các địa phương khác về bơ, vỏ hạt, tỷ lệ acid béo tự do, độ pH...
Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất ca cao trong tỉnh còn tồn tại một số hạn chế như: Chưa quy hoạch được ngành ca cao nên chưa xây dựng được vùng sản xuất tập trung ổn định, để tập trung thâm canh sản xuất ca cao sạch theo tiêu chuẩn UTZ (Chứng nhận UTZ Certifed là một trong những chương trình chứng nhận bền vững lớn nhất thế giới dành cho ca cao, cà phê và trà), ca cao hữu cơ... Bên cạnh đó, ngành ca cao chưa có sự đầu tư tốt về chất lượng giống cũng như quy trình kỹ thuật. Phần lớn người trồng ca cao là những nông dân nghèo, thiếu vốn nên ít đầu tư về giống và kỹ thuật chăm sóc, dẫn tới năng suất, chất lượng hạt ca cao có xu hướng giảm.
Cây điều vốn được xem là cây của người nghèo, vì vốn đầu tư thấp và hiệu quả kinh tế cũng thấp hơn hẳn so với cây cao su. Với mô hình trồng xen ca cao trong vườn điều - cũng đầu tư thấp, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế tổng hợp không hề thấp. Nếu được quan tâm đúng mức, đây là cơ hội thuận lợi để người nghèo có thể làm giàu.
BÌNH PHƯỚC CÓ THỂ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CA CAO CỦA CẢ NƯỚC?
Ông Nguyễn Văn Đạo, Trưởng phòng Thông tin (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh) cho biết: Ca cao là cây trồng mới tại Bình Phước, chi phí đầu tư không nhiều, nhưng đòi hỏi nông dân phải có kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, lên men... Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến tới nông dân; hướng dẫn cách lên men, sơ chế ca cao sau thu hoạch và xưởng chế biến ca cao nguyên liệu quy mô vừa và nhỏ; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống ca cao ghép năng suất cao cho các doanh nghiệp và hộ nông dân. Người dân nên áp dụng các mô hình trồng ca cao sinh học (nuôi kiến đen, kiến vàng để hạn chế rệp sáp, bọ xít muỗi gây hại), mô hình ca cao tiết kiệm nước tưới, phân bón (ủ phân từ vỏ trái ca cao và các thành phần khác) để có cơ sở nhân rộng.
Mục tiêu phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh: Đẩy mạnh phát triển diện tích ca cao ở những vùng có khả năng tưới. Dự kiến quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích trồng ca cao trên địa bàn toàn tỉnh đạt 5.000 ha và đạt 20 ngàn ha vào năm 2020 (chủ yếu trồng xen dưới tán điều), với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha.
Để phát triển cây ca cao bền vững trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện những giải pháp cơ bản: Xây dựng vùng ca cao tập trung năng suất cao theo hướng hữu cơ bền vững; đầu tư phát triển thủy lợi tạo nguồn nước tưới; xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống điện tại các vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng hệ thống thu mua ca cao tại địa phương và thông tin về giá để nông dân yên tâm sản xuất. Tuyên truyền, vận động nông dân, người thu gom và doanh nghiệp về ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, ý thức về tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng; mở rộng mạng lưới thương mại và tăng cường trưng bày, giới thiệu sản phẩm ca cao nước ta ra thị trường quốc tế; tăng cường hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ mở rộng hợp tác và tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ các tổ chức nghiên cứu, đầu tư, phát triển ca cao trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ. Điều quan trọng nhất là chính sách tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, đáp ứng nhu cầu đầu tư thâm canh. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các công ty phát triển vùng nguyên liệu riêng của tỉnh thông qua việc đầu tư ứng trước vốn, giống cây năng suất cao cho nông dân.
Với lợi thế và tiềm năng nói trên, hy vọng trong tương lai gần Bình Phước sẽ trở thành vùng nguyên liệu ca cao lớn nhất cả nước như cây điều, cao su. Nông dân nghèo Bình Phước cũng có thể làm giàu mà không cần vốn đầu tư lớn như trồng cao su hay hồ tiêu.
Thế Quân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065