Kiên trì với cây ca cao
Năm 2007, sau khi dự một hội thảo về cây ca cao, ông Đào Văn Dũng ở thôn Phú Tiến bắt đầu trồng thử nghiệm giống cây này xen canh trong vườn điều của gia đình. Sau 18 tháng trồng, cây cho thu hoạch, với giá bán khoảng 40 ngàn đồng/kg hạt khô lên men, gia đình ông có thêm nguồn thu hơn 20 triệu đồng/ha trồng xen, tương đương với cây trồng chính là điều. Nhiều gia đình trong thôn thấy hiệu quả đã học hỏi trồng loại cây này. Vì thế, Câu lạc bộ ca cao xã Phú Trung ra đời, với 42 thành viên và gần 100 ha đất trồng.
Ông Đào Văn Dũng thu hoạch ca cao đầu vụ
Tuy nhiên sau đó, do có nhiều biến động nên nông dân dần bỏ loại cây này. Cụ thể là giá thị trường bấp bênh, thu hoạch không tập trung nên không có ngay số tiền lớn một lúc. Ngoài ra, cây bị sâu, bệnh hại khiến năng suất không ổn định. Người dân thôn Phú Tiến bắt đầu phá bỏ dần vườn ca cao. Năm 2017, diện tích canh tác cây ca cao của câu lạc bộ chỉ còn hơn 25 ha với 19 thành viên kiên trì bám trụ. Ông Đào Văn Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao xã Phú Trung cho biết, phần lớn người dân vẫn xem ca cao là cây trồng xen canh, do đó không đầu tư chăm bón. Ca cao tuy không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, nhưng cần bón phân, tỉa cành, làm trái đúng quy trình, thời điểm.
Đặt niềm tin vào giá trị loại cây này, những hộ kiên trì bám trụ như gia đình ông Dũng đã tìm hướng đi mới để ca cao đạt năng suất và chất lượng cao. Ông Dũng mong những thành viên câu lạc bộ hiểu rõ hơn về đặc tính của cây ca cao để có biện pháp canh tác phù hợp. Ban chủ nhiệm đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các buổi hội thảo bổ sung kiến thức về cây giống, phân bón, biện pháp canh tác cây ca cao cho các thành viên. Những vườn ca cao già cỗi, không được chăm bón nay đã thay đổi từng ngày. Đồng thời, người trồng nên thay thế các dòng cây năng suất thấp, hay bị sâu, bệnh bằng các dòng cây có chất lượng cao như TD1, TD3, TD5, TD6 và chăm bón đúng thời điểm. Đến nay, những vườn ca cao của các thành viên câu lạc bộ đã đạt năng suất cao và ổn định, trung bình 1 cây cho 1kg hạt khô lên men. Câu lạc bộ ca cao là một phần của Hợp tác xã Thành Lợi (xã Phú Trung). Vì vậy, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã đã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và đàm phán với đơn vị thu mua để đảm bảo giá bán ca cao của xã viên không thấp hơn giá thị trường. Sau gần 10 năm kiên trì gắn bó với cây ca cao, nông dân Phú Tiến có thể yên tâm về hiệu quả kinh tế loại cây này mang lại.
tiềm năng phát triển
Ca cao Việt Nam được Hội đồng Ca cao quốc tế xếp vào danh sách loại ca cao có hương vị tốt trên thế giới (cùng với Indonesia là 2 nước châu Á được xếp vào danh sách này). Tuy nhiên, tỷ lệ ca cao hương vị tốt của Việt Nam cao hơn hẳn (40%) so với Indonesia, được các nhà sản xuất sô cô la đánh giá cao về chất lượng.
Người dân trao đổi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng ca cao - Ảnh: Minh Kỳ
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 ha cây ca cao. Định hướng đến năm 2020, diện tích thâm canh cây ca cao trồng xen trong vườn điều dự kiến đạt từ 20-30 ngàn ha. Trên tổng diện tích 150 ngàn ha điều của tỉnh, có khoảng 60 ngàn ha đủ nước để nông dân trồng xen ca cao. Bình Phước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là một trong những vùng trọng điểm phát triển cây ca cao đến năm 2020. Như vậy có thể thấy, việc phát triển ca cao ở Bình Phước rất có tiềm năng.
So với những loại cây trồng xen canh trong vườn điều, ca cao có nhiều ưu điểm vượt trội: không quá cầu kỳ về kỹ thuật chăm sóc như hồ tiêu, cũng không cần nhiều nước tưới như cà phê. Ca cao là loại cây ưa ánh sáng tán xạ, thích hợp trồng xen dưới tán điều. Khi tưới nước, bón phân cho ca cao thì điều được lợi, còn khi phun thuốc cho điều thì ca cao được hưởng. Ca cao tăng diện tích che phủ cho đất, chống xói mòn, lá rụng xuống giữ ẩm đất, chống cỏ mọc. Hơn nữa, những phụ phẩm từ ca cao đều có thể tái sử dụng: phần cơm trái để làm rượu ca cao; vỏ dùng làm thức ăn cho dê, ủ hoai làm phân bón hoặc dùng biện pháp biochar để xử lý thành than sinh học.
Do đó, nguồn thu từ ca cao đem lại khi trồng xen dưới tán điều là không nhỏ. 1 ha điều trồng xen canh khoảng 600 cây ca cao. Bình quân 1 cây ca cao cho 1kg hạt khô lên men và với giá bán 50-55 ngàn đồng/kg thì nông dân có thêm thu nhập hơn 30 triệu đồng. Ông Đào Văn Dũng cho rằng, nếu tiếp tục cải tiến biện pháp canh tác, năng suất cây ca cao sẽ được nâng lên. Nhà nông nên canh tác ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn sạch, bền vững, thân thiện với môi trường) và liên kết theo mô hình hợp tác xã (kiểu mới) để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tạo lợi thế khi đàm phán giá với các đơn vị thu mua.
Trước diễn biến thời tiết và sâu, bệnh theo chiều hướng bất lợi đối với cây điều như hiện nay, việc trồng đa canh là hướng đi hiệu quả để nông dân không phụ thuộc quá nhiều vào một loại cây trồng. Vì thế ca cao là một trong những lựa chọn để nông dân tận dụng đất trống trong vườn điều trồng xen, vừa đa dạng hóa cây trồng vừa tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Trần Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065