Một số vụ điển hình như ngày 24-6, Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an phối hợp Công an TP. Hồ Chí Minh đã đột kích 3 kho hàng của Công ty TNHH Bảo Khang và bắt giữ hàng trăm thùng thực phẩm chức năng giả nhập từ Trung Quốc mà qua kiểm tra, phần nhiều được làm từ bột mì. Tại Hà Nội, lực lượng chức năng cũng bắt giữ trên 50 tấn thực phẩm đông lạnh, 13,5 tấn sữa bột và 35.378 sản phẩm sữa Ensure không rõ nguồn gốc... Các tỉnh Tây Bắc, miền Trung rộ lên tình trạng buôn lậu lâm sản và các sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm. Ở Tây Nam bộ nổi lên tình trạng buôn lậu đường, thuốc lá, gỗ. Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế lại rộ lên tình trạng buôn bán, vận chuyển heroin...
Tại Bình Phước, địa bàn có đường biên giới dài và các cửa khẩu quốc tế với Campuchia, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại cũng khá nóng. Tháng 5-2014, Tổng cục Hải quan đã bắt giữ vụ buôn lậu gỗ lớn tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư của Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - sản xuất Bảo Ngọc ở xã Lộc Thái (Lộc Ninh). Thủ đoạn của vụ buôn lậu này là lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để trục lợi.
Có thể nói chưa bao giờ tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ở nước ta lại rầm rộ như thế. Việc Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban và các tỉnh, thành, các bộ, ngành liên quan đều thành lập Ban chỉ đạo cũng cho thấy chưa bao giờ Chính phủ thể hiện quyết tâm chống buôn lậu, gian lận thương mại quyết liệt như hiện nay. Tại hội nghị trực tuyến về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa được tổ chức chiều ngày 10-7, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 đã nhắc đi nhắc lại: Tuyệt đối không có “vùng cấm” trong công cuộc chống buôn lậu, gian lận thương mại và sẽ quy trách nhiệm cụ thể từng lực lượng liên quan.
Trong thực tế, có nhiều vụ buôn lậu lớn trót lọt là do một số người có chức có quyền tham nhũng đã “ngồi chung mâm” với những kẻ buôn lậu. Họ nắm được những kẽ hở trong các chính sách quản lý kinh tế, nhưng thay vì tham mưu để bổ sung, hoàn thiện kịp thời, họ lại “vẽ đường cho hươu chạy” để hưởng lợi từ những vụ lợi dụng chính sách để buôn lậu. Rồi lợi ích cục bộ từ một vài địa phương, đơn vị; sự thiếu hụt nguồn nhân lực, phương tiện và cơ chế chính sách cũng như cơ chế quản lý đối với lực lượng phòng, chống buôn lậu... đã tạo môi trường thuận lợi cho nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hoành hành.
Nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải đưa vào nghị quyết của các cấp ủy đảng và phải quy định trách nhiệm cụ thể của các địa phương, các bộ, ngành. Nếu không kịp thời ngăn chặn, nạn buôn lậu, gian lận thương mại không chỉ làm giảm nguồn thu ngân sách mà còn làm rối loạn thị trường, làm điêu đứng các nhà sản xuất trong nước và nghiêm trọng hơn là làm cho sản xuất trong nước bị trì trệ và cuối cùng là suy yếu quốc gia.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065