BPO - Hàng loạt các công trình giao thông có quy mô lớn, kỹ thuật xây dựng phức tạp, hoàn thành xây dựng trong thời gian gần đây đã cho thấy những bước phát triển vượt bậc về công nghệ xây dựng hạ tầng của Việt Nam.
Làm chủ công nghệ hiện đại
Ngay sau khi cầu Bãi Cháy khánh thành vào ngày 2-12-2006, trên website www.bridgeweb.com của Hiệp hội Cầu thế giới, các phóng viên quốc tế đã gọi cây cầu này là “Sự mảnh mai kỳ diệu”. Ông Haruo Yanagawa, Giám đốc dự án xây dựng cầu Bãi Cháy người Nhật Bản tự hào: “Cầu Bãi Cháy là một trong 5 cầu dây văng dự ứng lực lớn nhất thế giới. Nếu so với cầu dây văng Sunshine Skyway (Mỹ) thì cầu Bãi Cháy tuy có độ dài kém hơn (903 m so với 1.219 m), nhưng khẩu độ vượt sông thì hơn hẳn bởi nó dài tới 435 m, bảo đảm tàu biển trọng tải 50.000 tấn đi qua eo Cửa Lục (Hạ Long, Quảng Ninh) dễ dàng. Còn so với cầu Elorn (Pháp), cầu Puenete Coatzacoaltos (Mexico), cầu Brôtnne (Pháp), thì cầu Bãi Cháy có quy mô và tính kỹ thuật vượt trội.
Cầu Bãi Cháy.
|
Cầu Đông Trù khánh thành ngày 9-10-2014 dài 1.140 m, được ứng dụng công nghệ cầu vòm ống thép nhồi bê tông đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là cây cầu ghi dấu ấn đậm nét về công nghệ xây cầu của ngành Giao thông từ trước đến nay. Giám đốc dự án cầu Đông Trù Đặng Thanh Bình cho biết: Phần vòm cầu trên được kết cấu bởi 3.000 tấn vòm thép, 94 dầm ngang, 176 dầm dọc, 2.324 phiến dầm bản và 2.400 khối bê tông nhồi trong vòm thép… Để lắp đặt được những vòm thép khổng lồ này, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã phải sử dụng hệ thống kích nâng đa hành trình để nâng vòm cầu tới độ cao 42 m… Cầu Đông Trù xứng đáng như một “hoa hậu cầu” của Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam nhận định: Từ năm 2000 đến nay là giai đoạn “thăng hoa” nhất của việc áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng của nước ta. Trước kia, ngành Giao thông chỉ xây dựng được những cây cầu bê tông hoặc bê tông dự ứng lực có nhịp đơn giản, chiều dài tối đa là 33 m hoặc được làm theo kết cấu móng cọc, cọc bê tông cốt thép với chiều sâu hạn chế, thi công khó khăn tại các địa tầng phức tạp. Hiện nay, ngành Giao thông đã xây dựng được nhiều loại cầu bê tông dự ứng lực có khẩu độ lớn đến 150 m. Thậm chí, thi công được những cây cầu dây văng khẩu độ đến 550 m, đạt trình độ quốc tế như: Các cầu Bãi Cháy, Rạch Miễu, Đông Trù, Nhật Tân, Cần Thơ...
“Khoa học công nghệ phải đi trước, mở đường cho giao thông vận tải. Khoa học công nghệ chính là nền tảng tạo ra thành tựu của ngành Giao thông. Đây là đòi hỏi thực tế của xã hội, đất nước”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
|
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) Nguyễn Mạnh Thắng, đến nay, hầu hết các công nghệ xây dựng cầu bê tông cốt thép hiện đại nhất trên thế giới đã được các chuyên gia, kỹ sư, công nhân trong nước tiếp cận, làm chủ. Đặc biệt, ngành Giao thông đã tự thiết kế và thi công được các công trình có địa hình và tính chất kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ thi công đặc biệt như: Cầu Pá Uôn có trụ cao gần 98 m, cầu chéo góc, cầu cong không gian, nút giao ba tầng, cầu đường sắt...
Chưa hết, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long cho biết thêm: Trước đây, chưa ai dám nghĩ đến xây dựng đê chắn sóng vĩnh cửu, nhưng hiện nay đã có những con đê chắn sóng lớn ở cảng Tiên Sa, Cái Mép - Thị Vải, Sơn Dương… đã viết tiếp kỳ tích về xây dựng công trình của ngành Giao thông.
Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng giao thông có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, kỹ thuật phức tạp với chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao, giá thành hạ trong thời gian gần đây đã khẳng định những bước tiến vượt bậc cả về “chất” và “lượng” của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng của ngành Giao thông, đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới.
“Tới đây, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch, bổ sung hoàn thiện quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, nhất là chú trọng quy hoạch phân bố cân đối các loại hình vận tải, phối hợp liên thông các phương thức vận tải mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khảo sát, thiết kế, quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì, sửa chữa các công trình giao thông, nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và tăng tuổi thọ công trình...”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Nguồn TTXVN