Để đến Búng Bình Thiên, bạn có thể đi theo hướng từ trung tâm thị xã Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên, theo tỉnh lộ 956 đến thị trấn An Phú, từ đây đi tiếp về cửa khẩu Khánh Bình, đến ngã tư Quốc Thái, rẽ trái đi tiếp độ 2 km là tới Búng Bình Thiên.
Truyền thuyết kể rằng, một viên tướng nhà Tây Sơn là Võ Văn đã chọn vùng đất này làm căn cứ để tích trữ lương thực, thao luyện binh sĩ. Vào một mùa khô hạn, ông lập đàn làm lễ tế cáo trời - đất, xin ban cho nguồn nước. Khấn vái xong, ông rút gươm đâm thẳng xuống lòng đất trũng.
Lạ thay, khi lưỡi gươm vừa cắm xuống mặt đất thì một dòng nước ngọt trong vắt phun lên rất cao. Theo thời gian, nước tràn ngập thành hồ như ngày nay. Dân gọi là Búng Bình Thiên (Hồ nước trời). Búng theo tiếng địa phương có nghĩa hồ hay đầm, bình là do mặt nước trong búng lúc nào cũng êm ả, còn thiên có nghĩa là trời.
Búng Bình Thiên hay còn gọi là hồ Nước Trời nằm giữa 3 xã biên giới Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội. |
Búng có 2 hồ gọi là Búng Lớn và Búng nhỏ. Búng Bình Thiên Lớn có diện tích mặt nước là 193 ha, Búng Bình Thiên Nhỏ khoảng 10 ha, độ sâu trung bình khoảng 5 m. Tháng 8 hàng năm, dòng sông Me Kong cuồn cuộn đổ nước từ Campuchia vào Việt Nam tạo thành những cơn lũ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Nước lũ tràn bờ, chảy vào làm 2 hồ hòa làm một, chìm ngập trong biển nước mênh mông, mặt hồ phủ kín sen, súng, lục bình.
Hồ trong vắt, chỉ dâng lên và hạ xuống chứ không chảy. Miệng Búng thông với nhánh sông Bình Di, nhưng dòng nước đỏ ngầu phù sa ấy chỉ cần chạm đến cái miệng hồ kỳ lạ này thì lại trở nên xanh biếc và trong lành. Dường như ở đây không có cơ chế thu và chia nước với nhánh sông Cửu Long. Đường phân thủy trong, đục này được nhìn thấy rất rõ vào mùa nước nổi. Điều này làm cho Búng Bình Thiên trở thành một trong những hồ nước có hiện tượng thiên nhiên kỳ thú trên thế giới.
Giữa mênh mông biển nước ấy là những chiếc thuyền của ngư dân cần mẫn ngày đêm giăng câu, buông lưới kiếm sống. |
Cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi (Chăm islam) sống tập trung quanh Búng vẫn giữ được nguyên vẹn sự riêng biệt, độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng và đời sống hàng ngày như thuở xa xưa, cũng là một điểm đặc biệt hấp dẫn du khách. Thánh đường Mas Jid Khoy Ri Yah với mái vòm hình củ tỏi sát bên búng Bình Thiên mỗi ngày đều nhộp nhịp con chiên lui tới cầu nguyện.
Đến đây, bạn có thể thuê một chiếc thuyền dạo chơi trên hồ trong mùa nước nổi, ngắm nhìn những cụm hoa điên điển khoe sắc hay lang thang dọc các xóm Chăm để ngắm những ngôi nhà gỗ cổ. Ánh mắt to tròn duyên dáng với áo váy dài và khăn thêu của những cô gái Chăm hiền lành, trẻ thơ vui đùa trên đường làng, hồ nước trong lành xanh mát, tất cả hòa quyện khiến du khách cảm thấy Búng Bình Thiên thật huyền ảo mà quá đỗi thanh bình và gần gũi.
Búng Bình Thiên có độ sâu trung bình khoảng 5 m, diện tích mặt nước vào mùa nước cạn khoảng 200 ha, vào mùa nước nổi lên đến 900 ha, đặc biệt không bao giờ cạn. |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065