Trong 12 lượt ý kiến tại hội nghị, thì không phải ngẫu nhiên đa số đều cho rằng: Áp dụng chính sách bồi thường phải đứng ở góc độ của người dân, nghĩa là không để người dân phải chịu thiệt thòi. Và, đây cũng là ý kiến của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tại buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Đồng Phú và Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước về thực hiện chính sách đền bù giải tỏa Dự án đường Đồng Phú - Bình Dương ngày 21-9. Nguyên văn câu nói của Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc này là “Hỗ trợ sau thu hồi đất dự án phải có lợi cho người dân”.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân được hưởng lợi thực sự từ các dự án. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đòi hỏi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên một diện tích khá lớn. Hầu hết các vùng ven đô phải chịu sức ép về vấn đề này. Đất đai ngày càng bị thu hẹp và người dân phải thích ứng với cuộc sống mới của khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, khu đô thị mới. Trong điều kiện các cơ sở sản xuất, dịch vụ phát triển còn chậm, chưa đáp ứng đủ việc làm thì nguồn lao động dư ngày càng nhiều. Có một nghịch cảnh là hầu hết số lao động mất việc làm do bị thu hồi đất đều ở độ tuổi thành niên, nhưng trình độ văn hóa thấp, chưa có khả năng tiếp cận với môi trường mới, nhất là ở những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng và trình độ tay nghề kỹ thuật cao. Trong khi đó, các trường đào tạo nghề ở địa phương còn hạn chế cả về quy mô đào tạo lẫn khả năng thực hành, tiếp cận cuộc sống mới.
Chủ trương của Nhà nước là phải bảo đảm cuộc sống của người dân tốt hơn trước khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên thực hiện được điều đó không hề dễ. Từ trước tới nay, chính sách đền bù, tái định cư dù có hợp lý đến mức nào thì đối với những người nông dân suốt đời chỉ biết chăm chỉ cày xới trên mảnh đất của mình, việc mất đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất (đất sản xuất) sẽ tạo ra một khoảng trống không hề nhỏ cả trong thu nhập và cách thức để cân bằng cuộc sống. Bởi thế, điều quan trọng là phải làm sao tạo sinh kế cho người dân để có thu nhập ổn định. Một số địa phương đã hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động; phối hợp với các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn để thu hút lao động. Lại có địa phương cấp tái định cư cho dân ngay trong khu công nghiệp, khu thương mại để tạo điều kiện cho họ kinh doanh. Tuy vậy, những cố gắng đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm lâu dài đời sống cho mỗi gia đình bị thu hồi đất.
Rõ ràng, cùng với quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì từng địa phương phải tính ngay đến việc phát triển nguồn lực lao động, giải quyết việc làm tại chỗ vì không thể tránh khỏi tình trạng lao động nông nghiệp bị dôi dư và thiếu việc làm do chuyển đổi việc sử dụng đất nông nghiệp. Về lâu dài, sức ép xã hội do quá trình phát triển gây ra sẽ rất lớn. Bởi vậy, không chỉ các địa phương có các dự án mà các bộ, ngành chức năng như lao động - thương binh và xã hội, tài nguyên và môi trường, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... cần có định hướng và biện pháp cụ thể, trước hết là đào tạo nghề, tìm việc làm cho người dân bị thu hồi đất để ổn định cuộc sống cả trước mắt và lâu dài.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065