Trong quá trình thực hiện, kinh tế nông nghiệp của huyện đã được định hướng cụ thể. Đến nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 52 ngàn ha, trong đó diện tích cây lâu năm tăng 23% so với năm 2015 (48.477 ha); diện tích cây hằng năm 3.523 ha, giảm 4% so với năm 2015. Đối với diện tích cây lâu năm chỉ có cây cà phê giữ ổn định, còn lại tiêu, điều, cao su đều tăng, trong đó cây tiêu tăng mạnh nhất 51,4%. Diện tích cây lâu năm tăng nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện gieo trồng từ những năm trước. Huyện luôn chú trọng thực hiện các mô hình, ứng dụng khoa học trong phát triển kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân. Nhiều mô hình kinh tế được đánh giá cao, thu hút người dân tham gia.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông”, kinh tế - xã hội ở huyện Bù Gia Mập đang từng bước phát triển. Trong ảnh là một góc trung tâm huyện Bù Gia Mập - Ảnh: S.H
10 năm qua, huyện Bù Gia Mập đã thực hiện 60 mô hình phát triển kinh tế về nông nghiệp. Trong đó, Trạm Khuyến nông thực hiện 32 mô hình, gồm: Trồng nấm; trồng mới điều; cải tạo vườn điều già năng suất thấp; chăm sóc tiêu theo hướng sinh học; cao su tăng độ; ghép cải tạo vườn cà phê. Các mô hình đều đem lại năng suất và hiệu quả cao, được nhân rộng trên địa bàn.
Đối với 28 mô hình được các xã triển khai thực hiện, có 9 mô hình bò sinh sản, 3 mô hình cải tạo vườn điều năng suất thấp, 12 mô hình tưới nước nhỏ giọt và 1 mô hình nuôi dê sinh sản... Ngoài ra, huyện cũng chú trọng đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 11 tổ hợp tác về các ngành nghề như: khoanh nuôi bảo vệ rừng, các tổ hợp tác nuôi dê, nghề cá, nuôi bò, mô hình tập đoàn điều... Đồng thời thành lập 4 hợp tác xã nông nghiệp, nông lâm nghiệp - dịch vụ, thương mại - dịch vụ nông nghiệp và 1 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Các hợp tác xã đã hoạt động và bước đầu đạt hiệu quả.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, Huyện ủy Bù Gia Mập đã ban hành các nghị quyết thực hiện theo 2 giai đoạn (2011-2015 và 2016-2020). Qua quá trình triển khai thực hiện, đến nay toàn huyện có 2/8 xã được công nhận nông thôn mới, đạt 25% nghị quyết đề ra; 1 xã đạt 14/19 tiêu chí, 1 xã 13/19 tiêu chí; 2 xã 10/19 tiêu chí và 2 xã đạt 9/19 tiêu chí. Hệ thống giao thông nông thôn của huyện cũng được đầu tư phát triển. Đến hết năm 2017, toàn huyện được đầu tư nâng cấp 153,647km, trong đó 33,498km đường bê tông xi măng, 72km đường nhựa, còn lại là đường cấp phối, tổng kinh phí đầu tư trên 120 tỷ đồng. Hiện 100% đường đến trung tâm các xã được trải nhựa, 2/8 xã đạt tiêu chí giao thông.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông”, bước đầu huyện đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp tác xã; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với định hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ... Tuy nhiên, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, nhất là lĩnh vực công nghệ cao; sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của từng vùng; sản phẩm chưa tạo thành vùng hàng hóa, sản lượng còn thấp; sản xuất chưa gắn kết với các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân chưa chặt chẽ...
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, huyện Bù Gia Mập đặt ra các mục tiêu cụ thể, sát thực tiễn để thực hiện. Theo đó, đến năm 2030, giá trị sản phẩm các loại cây trồng/ha đất bình quân đạt trên 150 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3%; tổ chức đào tạo lao động mới đạt 90%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên khoảng 98%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt từ 45-50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nông dân được sử dụng nước hợp vệ sinh vào năm 2030 đạt 99%; phấn đấu đến năm 2030 có 100% xã đạt nông thôn mới...
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, huyện Bù Gia Mập đã đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, nông thôn văn minh, hiện đại; giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học vào sản xuất; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước đối với “tam nông”...
Lê Huệ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065