Quan tâm đầu tư cho vùng sâu, xa
Xã Phú Văn có 4 trường học gồm: THCS Lý Thường Kiệt, tiểu học Ngô Quyền, tiểu học Hai Bà Trưng và mẫu giáo Bông Sen. Trong đó Trường tiểu học Hai Bà Trưng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, số trường còn lại cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhất là ở các điểm lẻ. Trường mẫu giáo Bông Sen có 5 điểm, gồm 1 điểm chính và 4 điểm lẻ. Năm học này, trường được huyện đầu tư xây dựng 4 phòng học ở điểm chính với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, công trình đang gấp rút thi công. Tại 4 điểm lẻ của trường, mỗi điểm đều được đầu tư xây dựng 1 nhà vệ sinh, 1 giếng nước và đã hoàn thành trước ngày 20-8.
Thầy và trò Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn dọn vệ sinh đón năm học mới
Trường tiểu học Ngô Quyền, thôn Cây Da cũng có 5 điểm, gồm 1 điểm chính và 4 điểm lẻ với 503 học sinh, trong đó trên 70% là người dân tộc thiểu số thuộc hộ khó khăn, vì thế được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Tại điểm Đắk Son, ngoài tu sửa 3 phòng học cũ, điểm trường còn được đầu tư xây mới 2 phòng học, công trình đang khẩn trương thi công, hoàn thiện. Tại điểm Đắk Khâu và điểm chính, mỗi điểm được đầu tư xây 1 nhà vệ sinh, hiện đã hoàn thành. Cũng tại điểm chính Trường tiểu học Ngô Quyền, UBND huyện đang có kế hoạch đầu tư xây dựng 4 phòng học làm điểm lẻ cho Trường THCS Lý Thường Kiệt nhằm giảm tình trạng học sinh bỏ học, vì học sinh THCS ở đây phải đi học đến điểm chính gần 20km.
Ngoài ra, nhiều điểm lẻ thuộc các thôn dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đều được đầu tư xây dựng. Điểm Bù Khơn của Trường mẫu giáo Ánh Dương, xã Đắk Ơ được đầu tư xây mới 2 phòng học, khoan 1 giếng nước, 300m hàng rào, 300m2 sân bê tông với tổng kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng. Trường tiểu học Đa Kia C, xã Đa Kia có 1 điểm lẻ và 1 điểm chính đứng chân ở 2 thôn đặc biệt khó khăn Bình Hà 1 và Bình Hà 2 cũng được UBND huyện đầu tư xây dựng 6 phòng học lầu, 2 nhà vệ sinh và nhiều công trình phụ với tổng kinh phí trên 3,7 tỷ đồng.
Sẵn sàng đón năm học mới
Dù thời tiết những ngày vừa qua mưa nhiều nhưng để các em kịp đón năm học mới, Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn đã huy động cả thầy và trò tổng vệ sinh trường lớp, khuôn viên. Song song đó, các công việc như sơn sửa, lát gạch, lắp đặt hệ thống điện, nước cũng được các nhà thầu tập trung gấp rút hoàn thiện. Điểm chính gồm 22 phòng học, trong đó 12 phòng học lầu và 5 phòng học cấp 4 được UBND xã đầu tư sơn, sửa năm học trước hiện vẫn còn mới. Còn lại 5 phòng học cấp 4 và nhà vệ sinh vừa được UBND huyện đầu tư tu sửa, nâng cấp, thay mới toàn bộ gạch nền, hệ thống điện, 120m hàng rào với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đầu tư xây dựng 2 phòng thiết bị, thư viện với kinh phí 750 triệu đồng.
Nhiều năm qua, thầy trò Trường THCS Bình Thắng phải dạy - học trong ngôi trường chật hẹp, xuống cấp, nhưng đầu năm học này sẽ có dãy phòng học lầu mới khang trang. Thầy Nguyễn Viết Thư, Hiệu trưởng phấn khởi cho biết: Cuối năm học 2016-2017, trường được UBND huyện đầu tư xây dựng 8 phòng học lầu và chuẩn bị xây dựng thêm 4 phòng chức năng. Ngoài ra còn được chính quyền địa phương đền bù, giải phóng mặt bằng cấp thêm 400m2 đất bên cạnh cho trường. Dù thời tiết những ngày qua mưa nhiều nhưng nhà thầu huy động rất đông nhân công gấp rút hoàn thiện công trình. Trời nắng thì làm ngoài, mưa vào làm trong nhà với quyết tâm hoàn thành nhanh nhất cho học sinh kịp đón năm học mới.
Huyện Bù Gia Mập hiện có 34 trường công lập và 1 trường mầm non tư thục thuộc Phòng GD-ĐT huyện quản lý, gồm: 9 trường mầm non, 17 trường tiểu học và 9 trường THCS với 619 lớp, nhóm/17.046 học sinh. Năm 2016, huyện đầu tư trên 20 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 53 phòng học; xây mới 24 phòng học lầu, 15 phòng học cấp 4, 10 nhà vệ sinh, làm 1.130m hàng rào, khoan 6 giếng nước... Năm 2017, huyện đầu tư 35,5 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 54 phòng học; xây mới 34 phòng học lầu, 30 phòng học cấp 4, làm 1.520m hàng rào, 11 nhà vệ sinh, khoan 7 giếng nước và nhiều công trình phụ khác. Ngoài ra, năm học 2017-2018, huyện còn đầu tư 1,6 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học cho các trường. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn phòng học tạm, chỉ còn 5 phòng học mượn tại 5 điểm lẻ các trường mầm non và tiểu học do chưa có quỹ đất xây dựng. Dự kiến năm học tới sẽ xóa được 2 phòng mượn tại 2 điểm lẻ.
Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Phạm Hồng Khanh cho biết: Là huyện miền núi, vùng sâu, xa, biên giới nên Bù Gia Mập được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngoài cơ sở vật chất hiện có cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học, thời gian tới huyện sẽ đầu tư nhiều công trình trường học lớn, như: Xây dựng Trường THPT Bù Gia Mập, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý 3/2017; xây dựng Trường mầm non Phú Nghĩa, kinh phí 20 tỷ đồng do tỉnh đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục. Ngoài ra, cụm Đắk Ơ xây dựng 30 phòng học từ nguồn vốn xã đặc biệt khó khăn.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065