TRƯỞNG THÀNH từ ĐIỂM LẺ
Ra trường năm 1989, cô Lê Thị Hồng Nguyệt về nhận công tác ở một điểm lẻ của Trường tiểu học Thiện Hưng. Năm 2009, điểm trường thôn 5 cô đứng lớp được chia tách thành Trường tiểu học Thiện Hưng C. Những năm đầu sau chia tách, từ Ban giám hiệu đến giáo viên phải tá túc chung một phòng chờ để cố gắng hoàn thành tốt phận sự của người lái đò trên dòng sông tri thức.
416 học sinh Trường tiểu học Thiện Hưng C năm học này được học tập trong ngôi trường mới khang trang và đầy đủ tiện nghi
Với cô Hồng Nguyệt, sau 10 năm thành lập trường không biết bao nhiêu buồn vui ở một điểm trường xa xôi trên tuyến biên giới này. Có những trường hợp sau nhiều lần vận động không được, cả cô trò cùng “chơi trò đuổi bắt” trong vườn điều để đưa con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đến lớp. Từ điểm lẻ được nâng lên thành trường nhưng rồi trường lại có đến 4 điểm lẻ mà phần lớn học sinh là con em đồng bào DTTS thuộc cộng đồng người S’tiêng hoặc Khơme. Nhận thức của phụ huynh đồng bào DTTS tuyến biên giới trên địa bàn của trường những năm trước xem như con số không tròn trĩnh.
Khi mùa thu hoạch tiêu, điều, bắp, lúa, măng rừng... đến cũng là lúc đội ngũ giáo viên trong trường nỗ lực chống chọi với thực trạng học sinh bỏ trường, bỏ lớp. Chuyện vượt đường dài đầy sình lầy để đến nhà vận động các em ra lớp được xem là đơn giản nhất trong tất cả phương pháp vận động mà hiệu quả không cao. Bởi lẽ, khi học sinh bỏ lớp cũng đồng nghĩa với việc các em không có mặt ở nhà, phần lớn thời gian ban ngày ở trên vườn, trên rừng, thậm chí có em còn ở qua đêm trên nương rẫy cùng cha mẹ. Do vậy, muốn học sinh đến lớp, thầy cô giáo không còn cách nào khác là lội suối, băng rừng lên rẫy đón các em về lớp. Việc vận động học sinh đến trường mỗi mùa khai giảng năm học, mỗi vụ điều, tiêu, lúa, măng rừng của thầy cô cứ lặng lẽ trôi qua theo năm tháng. Sự kiên định của giáo viên nhà trường dần dần đã giúp phụ huynh đồng bào DTTS trên tuyến biên giới nhận ra giá trị con chữ, giá trị của sự học để động viên con em vui bước đến trường
10 năm trôi qua, ngôi trường ấy giờ đây đã được đầu tư hơn 17 tỷ đồng để nâng cấp thành trường chuẩn quốc gia. Nhờ vậy cơ sở vật chất trường khang trang hơn, con em cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới thuộc các điểm lẻ của trường cũng tề tựu về ngôi trường mới đầy đủ, tiện nghi hơn. Năm học này cũng là năm đầu tiên nhà trường sẽ tổ chức lớp bán trú cho học sinh. Phụ huynh nhờ đó yên tâm khai thác mủ cao su trên các nông trường hay ít ra cũng yên tâm chăm sóc những vườn cây đang trên đường công nghiệp hóa nông nghiệp.
CẢ HUYỆN SẴN SÀNG CHO NĂM HỌC MỚI
Cùng với Trường tiểu học Thiện Hưng C, các trường tiểu học Thiện Hưng A, Thiện Hưng B, THCS Bù Đốp, mẫu giáo Phước Thiện, mẫu giáo Hưng Phước cũng được sơn sửa với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. 8 phòng học lầu của Trường THCS Bù Đốp vừa được đầu tư với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng cũng đưa vào sử dụng trong năm học này.
Được học tập trong ngôi trường mới khang trang và đầy đủ tiện nghi giúp các em học sinh ở xã biên giới Thiện Hưng vui bước đến trường
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp Lê Đình Coóng cho biết: Toàn huyện hiện có 26 trường, 398 lớp với 11.565 học sinh từ cấp mầm non đến THCS. Năm học 2018-2019 cũng là năm đầu tiên học sinh trên địa bàn không còn học trong phòng tạm, phòng mượn. Gắn liền với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp, công tác tinh giản, sắp xếp lại hệ thống tổ chức bộ máy trong lĩnh vực giáo dục cũng được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua rà soát chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68 của Chính phủ, từ nay đến năm 2021, toàn huyện phải tinh giản 157 hợp đồng lao động. Riêng năm học 2018-2019 phải tinh giản 35% chỉ tiêu hợp đồng lao động, tương đương 55 người. Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu tháng 8-2018, Phòng GD-ĐT huyện đã tổ chức triển khai đến tất cả trường trên địa bàn. Ngay sau đó, các trường tổ chức bình xét công khai và lấy phiếu tín nhiệm từng trường hợp cụ thể. Nhờ vậy, trong số 55 trường hợp tinh giản theo Nghị định 68 của Chính phủ ai cũng vui vẻ chấp nhận.
“Từ năm học này, các trường trên địa bàn huyện Bù Đốp và cả Phòng GD-ĐT không còn lao công phục vụ vệ sinh và điện, nước. Mỗi thầy cô giáo và từng thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường phải chủ động tự thu dọn, vệ sinh phòng làm việc của chính mình. Ngay cả điện, nước, nhà trường cũng phải tự chủ theo nhu cầu thực tế của từng trường. Dẫu vậy, mỗi thầy cô giáo đều vui trước năm học mới. Bởi đơn giản, điều đó sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 999 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18 và 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)” - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lê Đình Coóng chia sẻ.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065