THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ
Trên địa bàn huyện Bù Đốp hiện có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào DTTS gồm Thái, Tày, Nùng, Dao, Chăm, Khơme, S’tiêng, Cao Lan, Châu Ro, Mường, Hoa, Êđê, Ngái, Sán Dìu, Thổ, Tà Mun.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đốp cho biết, từ năm 2011 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện thực hiện tốt chính sách với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tuy nhiên, từ năm 2018, chính sách đối với người uy tín, già làng có sự thay đổi. Những năm trước, huyện Bù Đốp đã bầu chọn và công nhận 7 hội đồng già làng, 25 già làng và 23 người có uy tín. Riêng năm 2018, thực hiện theo quy định mới, toàn huyện không còn hội đồng già làng, chỉ còn 4 già làng nhưng số lượng người uy tín tăng lên 38 người. Mặc dù có những thay đổi sau nhiều năm thực hiện chính sách dân tộc song vẫn không phủ nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đối với lực lượng đặc thù này. Đó là hằng tháng, già làng, người có uy tín đều được hưởng các chế độ cấp báo miễn phí, được tham gia tập huấn để nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến đồng bào DTTS. Năm 2017, kinh phí hỗ trợ xăng xe, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho già làng và người có uy tín toàn huyện là 57,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, chế độ mua thẻ bảo hiểm y tế đối với lực lượng già làng, người có uy tín cũng được bảo đảm thường xuyên.
Vào dịp đầu năm, huyện Bù Đốp luôn tổ chức gặp mặt già làng, người có uy tín vừa phổ biến chính sách mới, đồng thời động viên khuyến khích vai trò của lực lượng quan trọng này
Vào dịp năm mới, huyện đều tổ chức gặp mặt thăm hỏi, qua đó cung cấp thông tin thời sự, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như tặng quà tới già làng và người có uy tín. Từ đó, các già làng, người có uy tín đã cung cấp nhiều thông tin liên quan tới đời sống, an ninh trật tự trong đồng bào DTTS, góp phần giúp chính quyền, ngành chức năng thực hiện hiệu quả việc xóa bỏ các hủ tục, ngăn chặn tình trạng cầm cố đất, bán điều non trong vùng đồng bào DTTS hay hôn nhân cận huyết...
NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐIỂN HÌNH
Năm 1992, cựu chiến binh Bùi Thế Duyệt, dân tộc Mường, về định cư ở xã Tân Thành (Bù Đốp). Đến nay, ông Duyệt đã có hơn 18 năm làm trưởng ấp. Ông Duyệt nhớ lại: “Những năm Bù Đốp còn thuộc huyện Lộc Ninh, người dân ấp Tân Lợi, xã Tân Tiến (nay là ấp Tân Định, xã Tân Thành) thường vượt biên qua Campuchia đi chặt thuê cây rừng và nhiều người bị sốt rét hành hạ”. Sau vài lần vượt biên trắng tay, ông Duyệt quyết định ở nhà phát triển kinh tế từ trồng cây công nghiệp, ăn trái và chăn nuôi. Kinh tế gia đình ổn định, do tín nhiệm nên ông được bầu làm trưởng ấp. Ông tích cực đi tuyên truyền, vận động người dân không vượt biên làm thuê. Ông kiên trì đến từng nhà và nói chuyện hàng giờ để tuyên truyền vận động người dân an cư phát triển kinh tế tại địa phương. Ông Duyệt còn phối hợp với các chức sắc tôn giáo làm tốt tuyên truyền bảo vệ an ninh trật tự, đưa đường lối, chủ trương của Đảng tới người dân vùng sâu, nhất là đồng bào DTTS. Già làng Bùi Thế Duyệt cho biết thêm: “Sau 15 năm tái lập huyện, Bù Đốp nói chung và ấp Tân Định nói riêng thay đổi rõ rệt. Người dân xã Tân Thành chủ yếu sống dựa vào các loại cây trồng lâu năm như tiêu, điều, cây ăn trái, chăn nuôi dê kết hợp... Tôi rất vinh dự được người dân tín nhiệm bầu làm già làng. Tôi sẽ tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm, lòng nhiệt tình để phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng vùng đất biên giới giàu mạnh”.
Thiện Cư, xã Thiện Hưng là thôn văn hóa cấp tỉnh nhiều năm liền. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng. Sự thay đổi này có không ít công sức đóng góp của ông Điểu Chơn, người có uy tín tiêu biểu của huyện Bù Đốp. Khi còn thuộc huyện Lộc Ninh, Thiện Cư rất nghèo đói và lạc hậu. Ông Điểu Chơn khi ấy là cán bộ huyện được điều động kiêm làm Trưởng thôn Thiện Cư. Trước sự khó khăn của thôn, năm 2002, ông Điểu Chơn kiến nghị UBND huyện Lộc Ninh xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào S’tiêng; rồi vận động kéo điện, làm đường thôn... Nhờ đó, cuộc sống và nhận thức của đồng bào S’tiêng ở Thiện Cư đã thay đổi, cái đói, nghèo dần bị đẩy lùi. Đầu năm 2018, ông Điểu Chơn trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh xin cho 38 con em người S’tiêng thôn Thiện Cư vào làm việc tại Nông trường 5. Dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ông trực tiếp vận động được hàng trăm phần quà tặng đồng bào DTTS hoàn cảnh khó khăn...
Ông Điểu Chơn nói: “Hiện đường đi ở thôn Thiện Cư đã được thảm nhựa, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Hầu hết người dân trong thôn có việc làm, trẻ con đều đến trường. Diện mạo thôn đổi thay tích cực như thế tôi mừng lắm. Tôi được bà con bầu chọn làm người có uy tín nên càng phát huy hết khả năng, trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cẩm Liên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065