HỒI SINH CÂY ĐIỀU
Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi đến thăm rẫy của hộ anh Điểu Thức, thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau - điểm trình diễn thâm canh chăm sóc vườn điều của ngành nông nghiệp huyện Bù Đăng (8 thôn/8 điểm). Anh Huỳnh Long Hảo, nhân viên bảo vệ thực vật xã cho biết: “Trước đó, sâu bệnh gây hại quá nặng nên cả rẫy điều của hộ anh Thức bị kiệt quệ, gia đình chán nản, bỏ không chăm sóc. Chúng tôi đã chọn rẫy này để tiến hành các biện pháp cải tạo. Cách làm là cắt bỏ toàn bộ cây, cành bị sâu bệnh, sau đó chặt nhỏ, để khô rồi đốt. Biện pháp này vừa tiêu hủy được nấm bệnh vừa diệt trừ sâu đục thân và trứng bọ xít muỗi. 3 loại thuốc trừ sâu, nấm và phân bón lá tiếp tục được pha trộn đều trong 1 phuy, phun phủ toàn bộ từ gốc lên ngọn thành 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 14 ngày. Hiện vườn điều đã hồi sinh, bật chồi non, một số cây đơm hoa”.
Nhân viên bảo vệ thực vật xã Đắk Nhau Huỳnh Long Hảo kiểm tra thực trạng điều tại rẫy của gia đình anh Điểu Thức
Anh Điểu Thức phấn khởi: “Vườn điều nhà tôi đã trên 20 năm. Nghĩ rằng điều già sẽ không thể cứu được, tôi định cắt bán củi để trồng cao su, nhưng giờ vườn phục hồi tốt nên gia đình sẽ tiếp tục chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp”.
Chạy dọc con đường bê tông liên thôn vừa hoàn thành, chúng tôi tới thăm rẫy của gia đình bà Thị Kỳ ở thôn Đắk La. Bà Kỳ đang cùng con cháu kéo cành điều khô xuống vệ suối, đốt từng đám nhỏ đề phòng gió to gây cháy rẫy. Bà Kỳ vui vẻ: “Sau khi được ngành nông nghiệp hướng dẫn, gia đình tôi đã bỏ ra 40 công để làm tiếp những việc còn lại. Vì mật độ cây quá dày nên tôi phải cắt đi nhiều giúp vườn thông thoáng. Lúc đầu thấy xót, nhưng như vậy mới đúng kỹ thuật, giờ đã cắt, tỉa xong, thuốc cũng đã xịt xong, cây điều đang khỏe lại”. Từ bờ suối đi lên, mặt mũi anh Điểu Beo, con trai bà Kỳ lấm tro, nhưng phấn khởi nói: “Những cành nhỏ em đốt, tiêu hủy hết, còn những cây to em bán củi được gần 3 triệu phụ mua phân bón lá đỡ một phần chi phí”.
Anh Hảo cho biết: Trong chiến dịch đợt 1 vừa qua, 8/8 thôn của xã đều đồng loạt thực hiện giải pháp cứu cây điều. Mỗi thôn chọn 1 mô hình làm điểm; mỗi mô hình 0,5 ha. Tổng chi phí khoảng 6 triệu đồng/mô hình, gồm: 1 lít thuốc trừ cỏ, 1 lít lưu dẫn 2,4 D; 4 lít thuốc trừ sâu bệnh; 2 lít phân bón lá; 200kg phân bón NPK và công chăm sóc. Quá trình kiểm tra cho thấy, các rẫy điều được nông dân áp dụng quy trình chăm bón như đã tập huấn, hội thảo đầu bờ cơ bản phục hồi tốt. Tuy nhiên vẫn còn một số vườn điều phục hồi kém do bà con có tư tưởng buông xuôi, không đầu tư chăm sóc.
Tín hiệu khả quan
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết (NN&PTNT): Từ ngày 11-12-2017, huyện tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 hỗ trợ chăm sóc, phòng trị sâu bệnh gây hại cây điều gồm 3 đợt. Mục tiêu đợt 1 xử lý sạch mầm bệnh; đợt 2 xử lý ra hoa, đậu trái; đợt 3 dưỡng trái non đến khi thu hoạch. Theo đó, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện và UBND các xã, thị trấn đã được giao nhiệm vụ cụ thể.
Thạc sĩ Huỳnh Xuân Linh, Trưởng trạm Khuyến nông, Tổ phó Tổ công tác tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây điều niên vụ 2017-2018 của huyện cho biết: Trong giai đoạn 2, việc chăm sóc có vai trò quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng vụ điều. Ngoài phun thuốc trừ sâu bệnh, nông dân cần bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách tăng cường phân bón lá có hàm lượng lân, kali cao để tăng khả năng phân hóa mầm hoa và chống chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Không nên bón phân dưới gốc vì không phù hợp với giai đoạn sinh trưởng.
Hiện xuất hiện bọ xít muỗi, sâu róm đỏ, sâu phồng lá, bọ trĩ, bệnh thán thư hại cây điều. Để trừ sâu hiệu quả, theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật, người dân nên sử dụng các thuốc có hoạt chất chlopyrafos, cypermethrin, buprofezin... trừ bệnh dùng thuốc có hoạt chất cabendazim, hexaconazol... liều lượng và hướng dẫn ghi trên bao bì. Thời điểm phun hiệu quả là chiều mát hoặc những ngày trời âm u, bọ xít muỗi và sâu hoạt động mạnh nên phun sớm hơn. Phương pháp phun đồng loạt diện rộng, ướt đều trên tán cây, có thể sử dụng động cơ thổi gió hoặc tạo sương mù, phun trừ bọ xít muỗi. Bệnh thán thư thường phát sinh trong điều kiện độ ẩm cao, mưa kéo dài và thiếu ánh sáng. Để phòng trừ bệnh, bà con cần chú trọng làm sạch cỏ dại, cắt tỉa các cành bị sâu bệnh và tỉa bỏ cành không còn cho trái để làm thông thoáng, giảm độ ẩm của vườn, tăng quang hợp.
Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Lê Thanh Hải cho biết: Toàn huyện có khoảng 59 ngàn ha điều. Để giúp nông dân cải tạo, phục hồi diện tích điều chuẩn bị cho vụ thu hoạch tới, UBND huyện đã trích ngân sách 865 triệu đồng hỗ trợ 865 hộ nghèo và cận nghèo mất mùa điều 2016-2017, mỗi hộ 1 triệu đồng để mua phân bón, thuốc trừ sâu; chi 560 triệu đồng cho tập huấn và xây dựng mô hình thâm canh vườn điều. Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ trên 232 triệu đồng, xây dựng 70 mô hình cải tạo vườn điều. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 15 hộ cải tạo 36,5 ha, kinh phí khoảng 130 triệu đồng. Trạm Khuyến nông huyện vận động các công ty hỗ trợ 2,8 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, trị giá trên 44 triệu đồng.
Bù Đăng đã mở 79 lớp tập huấn với trên 3.000 người tham gia. Tổng diện tích điều được chăm sóc, bón phân khoảng 40.000 ha. Các tổ công tác của huyện đã tích cực tham mưu, đề xuất phương pháp, quy trình cụ thể để người dân áp dụng. UBND các xã, thị trấn đã và đang tiếp tục vận động cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tham gia ủng hộ thực hiện mô hình phòng trừ sâu bệnh, xử lý vườn điều ra hoa đúng thời vụ.
“Hiện nay, lãnh đạo UBND huyện và tổ công tác thường xuyên đến các rẫy của bà con thăm, kiểm tra thực trạng cây điều, 1 tuần đi 4-5 xã, kịp thời thông báo tình hình sâu bệnh và khuyến cáo người dân biện pháp phòng trừ. Khoảng 40% diện tích đã bung hoa, dự kiến cuối tháng 12-2017 có khoảng 80-90% diện tích ra hoa đồng loạt. Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện, xã, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan hữu quan và nông dân, sự ổn định về thời tiết, khí hậu, hy vọng vụ điều 2017-2018 sẽ khả quan” - Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Lê Thanh Hải nói.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065