BP - “Thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở một địa bàn có 38,25% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); có 1 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và 4 xã thuộc vùng khó khăn là những thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Bù Đăng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là khai thác thế mạnh về nông nghiệp và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo ở Bù Đăng đã giảm khá nhanh” - ông Huỳnh Hữu Thiết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng chia sẻ về công tác giảm nghèo.
Phát triển nông nghiệp là cơ sở giảm nghèo bền vững
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, chỗ dựa cho nền kinh tế của địa phương, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Vừa để thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới vừa giúp người dân có sự hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã xúc tiến thành lập mới và củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Hiện trên địa bàn có 24 tổ hợp tác, 21 hợp tác xã và 104 trang trại. Đây chính là những nhân tố kích hoạt, định hướng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất bền vững.
Một góc thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) - Ảnh: S.H
Những năm qua, UBND huyện đã phối hợp các cơ quan chuyên môn thực hiện 10 mô hình trồng cao su, 40 mô hình cải tạo vườn điều, 25 mô hình trồng ca cao xen điều, 11 mô hình cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi, 15 mô hình chăn nuôi gà, heo; xây dựng 12 mô hình chống xói mòn trên đất dốc, 15 mô hình trồng rau an toàn... Những mô hình này với sự trợ giúp kỹ thuật của khuyến nông đã đưa năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi của các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng cao hơn hẳn so với kiểu sản xuất truyền thống trước đây. Nhờ triển khai nhiều hình thức chuyển giao khoa học - kỹ thuật và khuyến khích người dân áp dụng, trên địa bàn hiện có nhiều mô hình kinh tế rất hiệu quả, trong đó có mô hình vườn 3 tầng của ông Nguyễn Khắc Thược ở ấp 2, xã Minh Hưng. Chỉ với 4 ha đất sản xuất, nhờ trồng gừng trong bao, trồng ca cao dưới tán điều đã mang về thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm cho gia đình.
Là địa bàn có diện tích điều lớn trong tỉnh, ngay sau khi tình trạng sâu, bệnh hại điều xuất hiện trên diện rộng, trong đó có nhiều diện tích điều của Bù Đăng, Huyện ủy, UBND huyện đã nhanh chóng tổ chức nhiều đợt ra quân hỗ trợ người dân cứu hộ vườn điều bằng việc tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng trị sâu, bệnh trên cây điều. Ngoài các chương trình, mô hình được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, huyện Bù Đăng còn hỗ trợ những hộ trồng điều bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trồng điều trên địa bàn với mức 1 triệu đồng/hộ. Hiện nhiều vườn điều bị sâu, bệnh từ niên vụ trước nay đã phục hồi.
Trực tiếp tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp không thể không kể đến vai trò của Hội Nông dân huyện. Với 16 cơ sở hội, 120 chi hội, 17.232 hội viên, Hội Nông dân huyện đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức 1.309 lớp tập huấn, hội thảo khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, thu hút gần 65 ngàn lượt hội viên tham gia. Hội còn phối hợp doanh nghiệp cung ứng 5.715 tấn phân bón, 2.485 tấn và 470 lít thuốc bảo vệ thực vật, hơn 16 ngàn cây - con giống, 102 máy nông nghiệp các loại cho hội viên theo hình thức trả chậm không tính lãi. Đồng thời vận động hội viên kinh tế khá đóng góp 10,8 tỷ đồng, giúp 783 hộ hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất và giúp 4.291 ngày công. Với sự hỗ trợ tích cực của hội viên nông dân từ huyện đến cơ sở đã giúp 783 hội viên thoát nghèo.
Thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo
Những năm qua, các chính sách giảm nghèo của huyện đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực. Với người nghèo, vốn đầu tư cho sản xuất luôn là bài toán khó. Vì thế, các hội, đoàn thể được sử dụng nguồn vốn tín chấp đã phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn này. Nguồn vốn vay giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015 được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên... đã cho 10.402 lượt hộ hội viên nghèo vay với tổng 102,74 tỷ đồng. Thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bù Đăng (thời điểm tháng 9-2018) đạt doanh số 1.415.120 triệu đồng với 5.141 khách hàng. Nguồn vốn vay của ngân hàng đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn và đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Đối với đồng bào DTTS, Chương trình 134 đã hỗ trợ 485 căn nhà; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 842 hộ; thực hiện 4 công trình nước sinh hoạt tập trung; cấp đất sản xuất cho 263 hộ với diện tích 225 ha; 118 hộ thực hiện mô hình liên doanh với Công ty cao su Phú Thịnh để sản xuất và ăn chia sản phẩm theo hợp đồng. Chương trình 1592 đã cấp 129 bồn nước cho 129 hộ và 9,5 ha đất sản xuất cho 11 hộ. Cấp 139 ha đất sản xuất cho 146 hộ được hưởng chính sách định canh, định cư theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm này đã có hơn 8.300 hộ đồng bào DTTS được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 98 tỷ đồng. 303 hộ được hỗ trợ mua sắm nông cụ với hơn 1,6 tỷ đồng...
Bên cạnh triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, đất và vốn sản xuất, trợ giúp pháp lý, cứu đói giáp hạt... thì việc hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi người nghèo có an cư mới lạc nghiệp. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có 1.469 hộ được hỗ trợ nhà tình thương với kinh phí 32,995 tỷ đồng. Năm 2018, huyện Bù Đăng được giao 98 căn nhà đại đoàn kết. Tháng 9 vừa qua, UBMTTQVN huyện phối hợp các xã Đắk Nhau, Đường 10 và Bom Bo đã bàn giao 18 căn nhà cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở và đồng bào DTTS. Từ nay đến cuối năm sẽ xây dựng, hoàn thiện và bàn giao 80 căn còn lại cho các đối tượng thụ hưởng. Nhờ chương trình hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết mà hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn không còn phải ở nhà tranh tre, tạm bợ, giúp họ yên tâm phát triển kinh tế.
Nhờ khai thác hiệu quả thế mạnh nông nghiệp; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án và chính sách giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm khá nhanh. Tổng điều tra hộ nghèo giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo ở Bù Đăng là 9,24%. Đến cuối năm 2017 giảm còn 5,17% và con số này sẽ tiếp tục giảm khi ngành lao động điều tra, khảo sát cụ thể theo kỳ quy định. Như vậy, mỗi năm huyện Bù Đăng đã giảm 1,02% hộ nghèo, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065