Thành lập từ tháng 11-2015, Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử xã Nghĩa Bình gồm 20 thành viên ở thôn Bình Trung, xã Nghĩa Bình và một số thành viên đến từ các xã Nghĩa Trung, Minh Hưng trên địa bàn huyện. Ban đầu các thành viên chỉ đờn ca với nhau trong dịp lễ, cưới, giỗ và sau những giờ lao động mệt nhọc. Dần dần nhiều người có cùng đam mê đã bàn với nhau thành lập CLB để sinh hoạt và giữ gìn loại hình nghệ thuật này. Anh Nguyễn Văn Cảnh, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Nghĩa Bình chia sẻ: Quê chúng tôi ở miền Tây nên ai cũng mê ca cổ lắm. Lên đây (Bù Đăng - PV) khoảng năm 1991 thì đến năm 2005 anh em có điều kiện kinh tế ổn định, hằng ngày sau khi đi làm về ngồi hát cho đỡ nhớ quê. Ban đầu chỉ bằng cây đờn thùng, rồi dần dần thấy hát cũng được nên lập thành nhóm. Anh em tình nghĩa xóm làng tụ họp giải trí vui chơi sau ngày lao động và cũng muốn giữ gìn văn hóa của người miền Tây Nam bộ.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Nghĩa Bình (Bù Đăng)
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ. Anh Huỳnh Văn Thành, thành viên CLB vui vẻ nói: Anh em thành lập CLB được chính quyền xã ủng hộ, mình thấy rất vui, đây là điều kiện anh em xa quê được gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa nghệ thuật quê hương. Mình là người miền Tây, ông ngoại ngày xưa cũng là thầy đờn nên khi tham gia CLB mình rất mừng.
Đờn ca tài tử Nam bộ được truyền dạy theo 2 hình thức truyền ngón và truyền khẩu. Thông thường, người học đờn cần ít nhất 3 năm để đạt những kỹ năng cơ bản, như: rao, rung, nhấn, búng, phi, vê. Người học ca phải luyện các điệu nam, bắc, hoán, hạ để diễn tả tâm trạng, tình cảm, tinh thần bài hát. Trong đó, điệu nam có 3 thể: nam xuân, nam ai, nam đảo. Điệu bắc có 6 thể: lưu thủy, tây thi, xuân tình, bình bán, phúc lục, hồ bản. Điệu hoán có 4 thể: phụng hoàng, phụng cầu, giang nam, tứ đại. Điệu hạ có 7 thể: xàng xê, ngũ đối thượng, ngũ đối hạ, long đăng, long ngâm, vạng giá và tiểu khúc. Người học ca phải học những bài truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu, lời ca để phù hợp với bạn diễn và thẩm mỹ cộng đồng. Ông Lê Văn Bé, thành viên CLB cho biết thêm: Về nhạc cụ phục vụ đờn ca tài tử gồm: đờn kìm, đờn cò, trước đây ông bà dùng cây đờn tỳ bà nhưng bây giờ thay thế bằng cây đờn tranh, rồi một cây tiêu hoặc một cây sáo, cây đờn ghi ta phím lõm và một cái song lang. Người sử dụng nhạc cụ phải có kỹ năng, lòng đam mê, phải biết âm điệu của nó.
Lần đầu tiên, CLB Đờn ca tài tử xã Nghĩa Bình đại diện huyện Bù Đăng tham gia liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Bình Phước năm 2018, với chủ đề “Cung bậc tơ lòng”. Dù chỉ đoạt giải khuyến khích toàn đoàn và 4 giải phụ nhưng liên hoan đã tạo động lực cho các thành viên tiếp tục khơi dậy niềm đam mê môn nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam bộ này. Hiện nay, khó khăn đối với CLB là nhạc cụ, nhạc công còn thiếu. Các thành viên hiện đã lớn tuổi, đa phần gắn bó với nghề nông nên rất cần có có sự hỗ trợ kinh phí để mở các lớp hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, CLB rất mong ngành văn hóa tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức liên hoan để các thành viên có điều kiện tham gia giao lưu, học hỏi thỏa niềm đam mê, góp phần giữ gìn và phát huy hơn nữa nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống cộng đồng.
Anh Thắng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065