>> Sức sống mới ở Bù Đăng
>> Lan tỏa phong trào làm theo Bác
>> Phát huy sức mạnh tổng hợp từ “dân vận khéo”
BP - Huyện Bù Đăng có gần 40% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chưa phát triển bằng các huyện trong tỉnh. Bù lại, Bù Đăng được thiên nhiên ban tặng rất nhiều danh thắng độc đáo, hiếm gặp cùng hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng. Với đặc thù của một huyện có 34 thành phần dân tộc; đồng thời xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển nên những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng luôn quan tâm phát triển đời sống văn hóa của người dân, đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, danh thắng trên địa bàn.
NHỮNG DANH THẮNG ĐỘC ĐÁO, HIẾM GẶP
Chẳng biết thiên nhiên ưu đãi hay sự kiến tạo ngẫu nhiên của trái đất mà trên địa bàn huyện Bù Đăng có rất nhiều danh thắng độc đáo, không lặp lại ở những nơi khác.
Đầu tiên phải kể đến trảng cỏ Bù Lạch ở thôn 7, xã Đồng Nai. Đây là một kiến tạo tuyệt tác của mẹ thiên nhiên. Nếu đến đây vào mùa mưa, bạn sẽ choáng ngợp bởi màu xanh ngút ngàn của một trảng cỏ rộng lớn hơn 400 ha. Thực tế, khu vực này có gần 20 trảng cỏ lớn nhỏ. Các trảng thường rộng từ 5-10 ha và cứ trảng này nối tiếp trảng kia với màu xanh hút tầm mắt, trong đó trảng lớn và đẹp nhất rộng gần 100 ha. Độc đáo là những bãi cỏ xanh mướt, rộng lớn ấy lại bao lấy bàu nước rộng và trong xanh, xung quanh còn có rừng nguyên sinh bao bọc. Mùa mưa, nếu đi sâu vào phía trong, bạn có thể được ngắm nhìn những thác nước tuy nhỏ nhưng rất đẹp. Vào mùa khô, trảng cỏ sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, rất lạ mắt. Đây là địa điểm lý tưởng để tổ chức các cuộc picnic hay cắm trại hoặc tiệc ngoài trời.
Trảng cỏ Bù Lạch đẹp như thế, nhưng nếu đến Bù Đăng mà bỏ qua thác Đứng ở xã Đoàn Kết - địa danh đã được công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2014 và thác Voi thuộc xã Đồng Nai sẽ rất đáng tiếc. Thác Đứng là kết quả của quá trình kiến tạo thiên nhiên cách đây hàng triệu năm. Đứng cách xa vài trăm mét, du khách đã nghe thấy tiếng thác nước reo vang. Những dòng nước tung bọt trắng xóa trên những tảng đá phía dưới, khiến người ta có cảm giác như không có thực. Còn thác Voi thuộc xã Đồng Nai cũng là một địa danh đặc biệt. Vào mùa mưa, nước tuôn từ đỉnh thác tạo thành một màn sương trắng xóa giữa những cây cổ thụ cao lớn, trông như một đám mây vờn sát đất. Tháng 10 vừa qua, thác Voi đã được công nhận di tích cấp tỉnh. Bơi thuyền trên hồ, câu cá, ngắm những đàn cò bay về tổ trong bóng chiều nhập nhoạng, trong tiếng nước chảy róc rách sẽ giúp du khách hoàn toàn được thư giãn giữa không gian yên bình và độc đáo. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bù Đăng còn có thác Pan Toong ở ấp 6, xã Đức Liễu; thác Bù Xa ở xã Phước Sơn... cũng là những điểm du lịch hấp dẫn.
VÀ NHỮNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA NỔI TIẾNG
Huyện Bù Đăng có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những di tích gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Phục dựng lễ hội kết bạn giữa người Mạ và Mơnông tại Bình Phước được tổ chức ở trảng cỏ Bù Lạch thu hút đông người tham gia với nhiều trò chơi dân gian như đi cà kheo, bắn nỏ... - Ảnh: Đông Kiểm
Đầu tiên phải kể đến di tích lịch sử sóc Bom Bo. Những năm đầu thập niên 1960, Mỹ - ngụy dồn dân vào ấp chiến lược hòng cắt đứt liên hệ của người dân với cách mạng. Cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Khi địch ruồng bố gắt gao thì vài chục hộ đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo đã băng rừng vào căn cứ “Nửa Lon” theo cách mạng. Ở vùng đất mới, đồng bào vừa sản xuất vừa tham gia đánh giặc. Thanh niên vào bộ đội, du kích; phụ nữ và trẻ em thì đêm đêm giã gạo nuôi quân. Năm 2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đầu tư xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với tổng diện tích 113,4 ha, kinh phí gần 200 tỷ đồng. Dù có những hạn chế về không gian văn hóa cũng như điều kiện phục vụ, song Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo vẫn là nơi tìm đến của du khách thập phương khi tới Bình Phước. Hiện ngành văn hóa tỉnh đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận sóc Bom Bo là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích lịch sử Căn cứ Nửa Lon thuộc địa phận thôn 3, xã Đường 10 là địa điểm ghi dấu việc mở đường hành lang nối liền hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Di tích Căn cứ Nửa Lon là nơi chứng kiến những khó khăn của đoàn mở đường, nơi ghi nhận sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bù Đăng, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975. Với những giá trị lịch sử to lớn của di tích Căn cứ Nửa Lon, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trình UBND tỉnh xem xét quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Trên địa bàn huyện còn có chùa Đức Bổn A Lan Nhã, Đồi Chi khu, di chỉ Dốc năm cây... mang dấu tích lịch sử. Năm 2017, chùa Đức Bổn A Lan Nhã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
NỖ LỰC NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HÓA NHÂN DÂN
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã thành lập các câu lạc bộ hát then, đàn tính, đờn ca tài tử. Việc chính quyền khuyến khích thành lập các câu lạc bộ là để người dân được thể hiện khả năng văn hóa - văn nghệ; đồng thời phục vụ cộng đồng. Ngành văn hóa huyện đã điều tra, thu thập số liệu về các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương; các phong tục, tập quán; lễ hội truyền thống của các tộc người tại chỗ cũng như các tộc người di cư đến. Đã lập hồ sơ các khu di tích, danh thắng trên địa bàn; điều tra, thu thập số liệu về các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca dân tộc, các bộ sử thi; các loại hình âm nhạc dân gian, văn học dân gian; sưu tầm hiện vật, cổ vật; tu bổ, tôn tạo nhà dài truyền thống của dân tộc S’tiêng. Hằng năm, UBND huyện phục dựng một số lễ hội như: Mừng lúa mới, lễ kết nghĩa cộng đồng... Các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc được duy trì và bảo tồn như làng nghề dệt thổ cẩm ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn; chế tác nhạc cụ dân tộc ở các xã Đắk Nhau, Đồng Nai, Đoàn Kết; xây dựng làng nghề trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Trên địa bàn huyện đang lưu giữ 148 bộ cồng, chiêng cùng các loại nhạc cụ truyền thống như: khèn bầu, sáo môi, sáo trúc, đàn tre... cùng các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số như: ca dao, tục ngữ, đồng dao, lối hát kể, diễn xướng... Đặc biệt, sử thi Ot NDrong là một trong những bộ sử thi độc đáo và đồ sộ của Việt Nam đang được các nghệ nhân của huyện lưu truyền.
Bà Điểu Hà Hồng Lý, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, ngành văn hóa - thông tin huyện sẽ tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; tham mưu thành lập các ban quản lý di tích, kết hợp bảo tồn và khai thác du lịch. Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bà Điểu Hà Hồng Lý cho rằng, cần đưa lễ hội thành hoạt động văn hóa thường niên, kết hợp các hoạt động du lịch. Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm. Tăng cường đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch. Hiện nay, UBND tỉnh đang triển khai Dự án khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch kết hợp phim trường ngoài trời. Dự án này khi được triển khai sẽ thúc đẩy du lịch Bù Đăng phát triển.
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065