* Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 2 khoản, với nội dung như sau: 1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. 2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Còn nội dung của Điều 64 trong Hiến pháp hiện hành (1992) có quy định như sau: Gia đình là tế bào của xã hội. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con.
So sánh giữa hai điều trên cho thấy, ở Điều 39 trong dự thảo đã bỏ đi ba nội dung quan trọng nhất của Điều 64 trong Hiến pháp hiện hành, đó là: Gia đình là tế bào của xã hội - Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt - Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Theo tôi, quy định như Điều 64 của Hiến pháp hiện hành thì chúng ta mới bảo đảm được việc giữ gìn và phát huy truyền thống và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Vì, cho đến nay và mãi mãi về sau chẳng ai có thể phủ nhận gia đình không phải là tế bào, không phải là hạt nhân của xã hội. Gia đình còn là môi trường giáo dục đầu tiên và tốt nhất của mỗi con người, gia đình có tốt đẹp, có tiến bộ, có phát triển thì xã hội mới phát triển, mới vững mạnh được. Trách nhiệm này trước hết thuộc về ông, bà và cha, mẹ, anh chị em... và các thành viên khác.
Hơn nữa, trong tình hình hội nhập của đất nước hiện nay, có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên bị ảnh hưởng của lối sống thực dụng và họ đã dần dần làm mất đi trách nhiệm, bổn phận của mình đối với tổ tiên, ông bà và thậm chí là với cha mẹ, anh chị em ruột thịt của mình. Vì vậy, xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề xuất ý kiến nên giữ lại ba nội dung: Gia đình là tế bào của xã hội - Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt - Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ trong điều 39. Có hiến định như vậy thì truyền thống lịch sử, đạo đức và nếp sống văn hóa ngàn đời của dân tộc sẽ được giữ gìn, bảo tồn và càng được phát huy.
* Điều 64 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung sửa đổi, bổ sung các điều 30, 31, 32, 33 và 34 của Hiến pháp hiện hành. Ở Khoản 1 của điều này nói về vai trò, ý nghĩa to lớn của văn hóa trong quá trình phát triển của đất nước; đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Ở Khoản 2 của điều này nói về nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam. Bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong thời kỳ mới.
Khoản 3 là nội dung nói về nhiệm vụ của Nhà nước, xã hội và toàn dân trong việc xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Và Khoản 4 là chế tài đối với các hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan.
Theo suy nghĩ của tôi thì quy định như trên là chưa hoàn toàn đúng và cũng chưa đầy đủ. Chưa hoàn toàn đúng là ở chỗ không phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, mà phải là “sống và làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật”. Thứ hai là ở Khoản 4 tuy quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, nhưng chưa nói đến những hành vi xâm hại các di tích lịch sử, văn hóa. Vì thực tế cho thấy, hành vi xâm hại các di tích lịch sử, văn hóa, như: Lấn chiếm đất của di tích, đập phá di tích... vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung cụm từ “sống và làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật” vào Khoản 3 và nội dung: “Nghiêm cấm các hành vi phá hoại hoặc xâm hại các di tích lịch sử, các cơ sở văn hóa” vào Khoản 4. Như vậy, Khoản 3 và Khoản 4 của Điều 64 được viết lại như sau: 3. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, “sống và làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật”. 4. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan. “Nghiêm cấm các hành vi phá hoại hoặc xâm hại các di tích lịch sử, các cơ sở văn hóa”.
Kim Ngọc (Hội luật gia tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065