>> Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành
>> Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo: Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
BP - Nhắc đến huyện Bù Đăng là nghĩ đến sóc Bom Bo - một địa chỉ đỏ của tỉnh Bình Phước anh hùng. Và nói đến Bom Bo mọi người sẽ nghĩ ngay đến bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Hôm nay (16-10), trên mảnh đất này, Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng chính thức hoàn thành giai đoạn 1. Dự án nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa và lịch sử của người S'tiêng nói chung và đồng bào Bom Bo nói riêng. Báo Bình Phước xin giới thiệu tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của địa danh Bom Bo anh hùng đã đi vào lịch sử dân tộc. Và đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
TỪ “CĂN CỨ NỬA LON”
Bom Bo nằm ở phía tây của QL14, cách trung tâm huyện Bù Đăng khoảng 12km. Dưới thời nhà Nguyễn, Bom Bo thuộc trấn Biên Hòa. Giữa thế kỷ XIX, sau khi đặt ách đô hộ tại 6 tỉnh Nam kỳ, thực dân Pháp chia Nam kỳ thành 4 khu vực lớn. Đó là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát Xắc. Vùng đất Bình Phước thuộc khu vực Sài Gòn, trong đó, Bom Bo thuộc Tiểu khu Thủ Dầu Một. Đầu năm 1960, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị xây dựng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên và mở đường 559 (đường Hồ Chí Minh sau này). Vốn có truyền thống đấu tranh, đồng bào dân tộc S'tiêng, Mơnông ở Bom Bo đã đùm bọc, giúp đỡ cho đoàn công tác soi đường do hai cán bộ Ba Thu và Phùng Đình Ấm dẫn đầu. Thời điểm này, đoàn cán bộ do Xứ ủy Nam Kỳ và Tỉnh ủy lâm thời Phước Long được cử về tập kết ở Bom Bo. Đời sống khó khăn, lương thực thiếu thốn, chủ yếu là ăn củ rừng, lá bép, trái gấm, măng tre, lá nhíp, đọt mây... mỗi ngày tiêu chuẩn chỉ dùng nửa lon gạo cho mỗi người. Vì thế mà tên gọi “Căn cứ Nửa Lon” ra đời.
Công trình nhà đón tiếp và Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: Minh Luận
Cách mạng về với buôn, sóc. Đồng bào được giác ngộ cách mạng, tự giác thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra, tiến hành chiến tranh du kích và đấu tranh chống càn quét của kẻ thù, bảo vệ buôn, sóc. Trong những năm đầu 1960, Mỹ - Diệm tăng cường chiến tranh vũ trang trên địa bàn Đường 10. Chúng lập ấp dồn dân ở các điểm Bù Bông, Bù Ría... tăng cường lực lượng bảo an, một bộ phận Tiểu đoàn 552, Trung đoàn 5 biệt động quân để lập các chốt Mỹ, Bù Ría, Bù Bông...
Do sự kìm kẹp hà khắc của địch ở ấp chiến lược, một số đồng bào lợi dụng ban đêm phá rào trở về buôn sóc cũ. Cuối năm 1961, chi bộ Đảng người dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Phước Long được thành lập tại sóc Bom Bo, do ông Điểu Beo làm Bí thư. Thời điểm này, vùng tự do Bắc và Đông Bắc Bù Đăng có tên gọi là Bom Bo. Theo đó, sóc Bom Bo chạy dài từ Đường 10 đến vùng căn cứ với 30 hộ gồm 80 người. Là sóc có chi bộ Đảng đầu tiên của K, Bom Bo được tổ chức như làng kháng chiến, có du kích, an ninh, tất cả con em trong sóc đều tham gia vào các tổ chức của K và tỉnh. Điển hình là ông Điểu Beo, Điểu Lết, Điểu Briêng, Điểu Lên..
ĐẾN “TIẾNG CHÀY TRÊN SÓC BOM BO”
Những ngày cuối năm 1964 đầu 1965, phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược của nhân dân ta diễn ra mạnh mẽ. Sau một thời gian điều nghiên, Quân khu và Bộ chỉ huy Quân sự Miền quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long. Đêm 10-5-1965, ta đồng loạt tiến công trên các mặt trận Đồng Xoài. Đồng bào Bom Bo vừa trực tiếp tham gia chiến đấu vừa thực hiện nhiệm vụ hậu cần phục vụ chiến dịch. Tuy trong điều kiện khó khăn bị địch phá hoại sản xuất, đốt phá nương rẫy, song đồng bào sóc Bom Bo vẫn mưu trí tổ chức sản xuất và tích cực ủng hộ nhiều lúa gạo cho cách mạng. Thậm chí có hộ còn ủng hộ số lúa đang ngậm sữa trên nương rẫy với tinh thần: “Tất cả vì chiến dịch, hậu cần tốt - thắng trận to”. Đồng bào còn vào tận ấp chiến lược vận động người dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, đồ dùng cho cách mạng.
Trước yêu cầu của chiến dịch, bằng sự sáng tạo, đồng bào sóc Bom Bo và vùng Đắk Nhau đã huy động toàn bộ cối, chày hiện có, dùng cây sao dài, khoét thành hàng chục lỗ cối, với chày tay, chày đạp giã gạo. Già làng Điểu Lên nhớ lại: “Đồng bào ban ngày lên nương trồng lúa, trồng mì, tối về đốt đuốc giã gạo cho đến gần sáng”. Sau đó, chỉ trong 3 ngày đêm giã gạo liên tục, đồng bào sóc Bom Bo đã cung cấp cho chiến dịch 5 tấn gạo, vượt chỉ tiêu đề ra. Dưới ánh lửa bập bùng của những bó đuốc lồ ô, như không khí rộn ràng của lễ hội, những chàng trai giải phóng quân đứng bên các cô gái Xêtiêng cùng giã chung cối gạo. Cả sóc bừng lên khí thế cách mạng sôi nổi, tất cả vì chiến dịch. Cảm phục trước tinh thần cách mạng của đồng bào sóc Bom Bo, tại khu rừng Đắk Liên, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết nên bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng. Càng vinh dự hơn khi ngày 28-4-2000, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bom Bo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
VÀ NHỮNG LẦN THAY ĐỔI ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Đất nước giải phóng, người dân sóc Bom Bo vẫn ở lại khu căn cứ Nửa Lon. Ngày 4-7-1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký quyết định tái lập huyện Bù Đăng, sóc Bom Bo thuộc về xã Đắk Nhau. Ngày 28-12-1997, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập xã Bom Bo, trên cơ sở tách ra từ xã Đắk Nhau và một phần xã Minh Hưng, chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1-4-1998, sóc Bom Bo đổi tên thành thôn 1. Từ tháng 5-2008, xã Bình Minh được thành lập và sóc Bom Bo ngày nay thuộc xã Bình Minh.
Trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, đồng bào các dân tộc ở Bom Bo vẫn son sắt, chung thủy, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Bom Bo ngày nay đã đổi khác. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đang tập trung xây dựng Bom Bo thành một điểm du lịch văn hóa, lịch sử, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
P.V
(Nguồn: Truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Bom Bo anh hùng và các tư liệu khác).
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065