Như Bình Phước online đã đưa tin, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm trưởng đoàn. Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trăm, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thường trực các đảng bộ trực thuộc và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Kết quả tích cực thực hiện chính QUYỀN điện tử
Báo cáo tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với đoàn cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh phục vụ xây dựng chính quyền điện tử được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh có 5.976 hộp thư điện tử được cấp cho cán bộ, công chức, viên chức. Trục liên thông văn bản (LGSP) nội bộ tỉnh đã liên thông quản lý văn bản ngang, dọc 3 cấp được 188 cơ quan nhà nước. Đã cấp và khai báo mã định danh lên trục LGSP cho 234 cơ quan, đơn vị. Triển khai phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 11 huyện, thị xã, thành phố và 100% đến các xã của các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản, thành phố Đồng Xoài và 2 xã Thiện Hưng, Tân Tiến của huyện Bù Đốp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao biên bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với UBND tỉnh về hợp tác phát triển và truyền thông
Về thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước gồm 1 cổng chính và 35 trang thông tin điện tử thành phần, các dịch vụ công trực tuyến đều được đăng công khai trên trang/cổng của các cơ quan. Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 2.210 dịch vụ công trực tuyến được đăng tải trên trang dịch vụ hành chính công tỉnh.
Bình Phước cần xây dựng trung tâm giám sát không gian mạng
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết: Tỉnh đã ban hành văn bản cảnh báo về an toàn, an ninh thông tin đến các cơ quan, đơn vị; theo dõi để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố về an ninh thông tin; phối hợp Tập đoàn công nghệ BKAV triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho hệ thống mạng, máy tính trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh chưa có hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp ICT và chưa quy hoạch khu công nghệ thông tin tập trung. Tỉnh chưa phát triển hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, bưu chính số.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng ký kết thỏa thuận với Tập đoàn VNPT
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng thay mặt lãnh đạo tỉnh báo cáo với đoàn về tình hình kinh tế, xã hội, hoạt động ngành thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh. Báo cáo có 7 đề xuất với Bộ trưởng và đoàn công tác tiếp tục hỗ trợ Bình Phước một số lĩnh vực như: Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP phục vụ hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Giúp tỉnh thẩm định các phần mềm đang được ứng dụng tại tỉnh mà chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông đo kiểm và chứng nhận khi đưa vào đầu tư, sử dụng. Xây dựng một màn hình LED ngoài trời kích thước lớn tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư trong năm 2020 từ nguồn kinh phí thông tin đối ngoại Trung ương (theo Quyết định số 273/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ). Hỗ trợ tài khoản giám sát an toàn thông tin cho tỉnh và gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc trên báo chí, Facebook, YouTube viết về tỉnh. Giúp Bình Phước xây dựng đề án đô thị thông minh phù hợp với nhu cầu thực tiễn của tỉnh hiện nay. Sớm hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số vệ tinh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn kinh phí của quỹ dịch vụ viễn thông công ích sau khi tỉnh hoàn thành việc rà soát lại số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều đủ điều kiện nhận hỗ trợ đầu thu truyền hình số. Sớm cấp giấy phép hoạt động; thỏa thuận bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí khi thực hiện hợp nhất 2 cơ quan báo chí Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước và Báo Bình Phước.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tặng quà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao biên bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với UBND tỉnh về hợp tác phát triển và truyền thông. Đại diện UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng đã ký thỏa thuận hợp tác thông tin và truyền thông với 3 doanh nghiệp gồm VNPT, Mobifone và Công ty cổ phần Misa.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thời gian tới Bình Phước cần tập trung 3 vấn đề chính: Kêu gọi nhiều doanh nghiệp phát triển thị trường trong lĩnh vực CNTT tại tỉnh; có giải pháp an toàn, an ninh mạng không để nhiễm mã độc bằng cách xây dựng một tài khoản hoặc trung tâm giám sát toàn bộ không gian mạng trên toàn tỉnh. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền điện tử.
Hạ tầng viễn thông và CNTT chưa đáp ứng chính quyền điện tử
Thời gian qua, việc triển khai ứng dụng CNTT đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là hạ tầng viễn thông và CNTT chưa đáp ứng xây dựng chính quyền điện tử như: Trung tâm tích hợp dữ liệu; mạng truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao; sóng di động 4G, 5G. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử đã triển khai nhưng còn nhiều bất cập, như chưa có quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính liên thông các cấp, chưa liên thông được với phần mềm của ngành dọc như thuế, hải quan, giao thông, bảo hiểm, tư pháp. Vẫn còn chuyển hồ sơ giấy kèm theo để thực hiện, hồ sơ dịch vụ công phát sinh trực tuyến còn thấp. Chưa có hệ thống kiểm soát tiến độ xử lý thủ tục văn bản và hành chính, do đó cần xây dựng một trang đánh giá tổ chức, cá nhân về quản lý, xử lý văn bản...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2018, Bình Phước xếp hạng chính quyền điện tử ở bậc 59/63, các chỉ số trong năm 2018 đều tăng là một nỗ lực rất lớn. Trung bình của cả nước là 0,49 nhưng chỉ số chính quyền điện tử của Bình Phước ở mức 0,52 là một thách thức rất lớn trong năm 2019 với mục tiêu đặt ra dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phải đạt 30%.
Xây dựng chính quyền điện tử phục vụ dân, do dân, vì dân Sáng 15-7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về chính phủ điện tử, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại hội trường tỉnh với 400 đại biểu dự và 12 điểm cầu các huyện, thị, thành phố, công ty cao su và 24 điểm cầu các xã, phường trên địa bàn tỉnh với 2.600 đại biểu dự. Hội nghị đã nghe Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc trình bày chuyên đề “Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh” và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi về chuyên đề chuyển đổi số, thảo luận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định: “Trong 2 quý 3 và 4/2019, tỉnh sẽ bắt tay vào thực hiện các chương trình chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Không còn chính quyền nào tốt hơn chính quyền điện tử để xây dựng một chính quyền phục vụ dân, do dân, vì dân. Bình Phước sẽ cố gắng phát triển bằng các tỉnh bạn góp phần vào xây dựng quốc gia chính phủ điện tử”. |
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065