BP - Tại trang 2, dòng thứ 2 từ dưới lên trong dự thảo viết “...xây dựng các công trình, dự án trọng điểm (Becames Bình Phước, Khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Đồng Phú...)” và tại trang 18, dòng thứ 8 từ trên xuống “dự án Becames Bình Phước...”. Chữ “Becames” viết như vậy là chưa chính xác, viết đúng phải là Becamex (Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - TNHH MTV, tên viết tắt bằng tiếng Anh Becamex IDC Corp).
Đoàn kiểm tra HĐND tỉnh kiểm tra tại Khi công nghiệp Minh hưng - Hàn Quốc về chấp hành bảo vệ môi trường - Ảnh: Hải Châu
Theo ý kiến cá nhân tôi, dự thảo cần bổ sung phần đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đây là nội dung rất quan trọng, luôn nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện kết luận hội nghị Trung ương 5, khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, ở trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng bí thư làm Trưởng ban. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy với nhiệm vụ trọng tâm là tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính, là cơ quan thường trực của Tỉnh ủy về phòng chống tham nhũng. Trong phần đánh giá về hạn chế, tồn tại phải nhìn thẳng vào sự thật. Chỉ riêng việc kê khai, minh bạch tài sản vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều cán bộ trong tỉnh thuộc đối tượng phải kê khai tài sản nhưng không thực hiện (hoặc có kê khai chưa đạt yêu cầu). Vì vậy, dự thảo cần có đánh giá trung thực, khách quan về công tác này.
Tại mục 4: Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (trang 22), dự thảo nhấn mạnh “...ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị”. Viết như vậy là chưa bao quát hết (không đề cập đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn) và rất khó khả thi. Bởi vì, khi chúng ta tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa với điểm xuất phát thấp như hiện nay thì phải chấp nhận “sống chung” với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí... Bằng việc thực hiện nhiều giải pháp xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ giúp hạn chế tình trạng này chứ khó có thể “ngăn chặn” một cách triệt để được. Tôi đề xuất sửa lại đoạn này như sau: “ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở các khu công nghiệp, đô thị”.
Cũng tại mục 4 này, dự thảo viết “nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại rừng, bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ; các hình thức đánh bắt động vật hoang dã, thủy sản mang tính hủy diệt”. Phân tích về nội dung thì đúng nhưng cách diễn đạt chưa thật sự thuyết phục, có phần lủng củng, khó hiểu. Tôi góp ý sửa lại như sau: “bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ; nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại rừng và các hình thức đánh bắt động vật hoang dã, thủy sản mang tính hủy diệt”.
Mục 5: Đẩy mạnh thực hiện các lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tại điểm c. Đảm bảo an sinh xã hội (trang 23) dòng thứ 4 từ dưới lên có sử dụng cụm từ “bộ phận người yếu thế trong xã hội”. Theo tôi, không nên đưa cụm từ này vào dự thảo vì rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để bôi nhọ, đả kích chế độ ta nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Tại sao chúng ta đang xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” lại còn “bộ phận người yếu thế trong xã hội”? Tôi đề xuất sửa lại đoạn này như sau “quan tâm tốt hơn đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, người tàn tật, người già neo đơn, trẻ mồ côi và đồng bào dân tộc ít người”.
Mục 7: Xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tại Điểm a, công tác xây dựng đảng (trang 25) dự thảo viết “... Mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên có trách nhiệm làm công tác tư tưởng. Cán bộ chủ chốt của cấp ủy đảng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân”. Tôi xin bổ sung thêm hai từ “tốt” vào câu trước và “phải” vào câu sau để nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt của cấp ủy đảng. “... Mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên có trách nhiệm làm tốt công tác tư tưởng. Cán bộ chủ chốt của cấp ủy đảng phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân”.
Tại Điểm b: Công tác xây dựng chính quyền (trang 27, cũng trong Mục 7) tôi xin bổ sung thêm nội dung “bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV” và sửa lại đoạn này như sau: “Tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”. Thêm từ “đại biểu” vào trước “HĐND” để thành câu “Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND” (trang 28).
Mục 8: Đổi mới hoạt động của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, tôi xin bổ sung dấu “,” cộng thêm cụm từ “và thực hiện” vào câu “khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ, hoài bão, đi đầu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (trang 28). Bởi vì nếu chỉ “nuôi dưỡng” thôi thì chưa đủ, cần phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.
Mục tiêu, nhiệm vụ của hội nông dân, hội phụ nữ (trang 29) có một số điểm diễn đạt chưa rõ nghĩa, có chỗ chưa chính xác, dễ gây sự hiểu nhầm. Ví dụ, hội phụ nữ thì không có chức năng “xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em”, cụm từ “nuôi con học giỏi, dạy con ngoan” cũng chưa bao hàm hết ý nghĩa... Tôi đề xuất sửa lại một số câu, từ trong hai đoạn này như sau:
“Hội nông dân tập trung phát huy (hoặc có thể dùng cụm từ chú trọng phát huy) vai trò chủ thể của giai cấp nông dân...; nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi (chứ không phải mở rộng)...”. “...; khẳng định và nâng cao vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng; nuôi con khỏe, dạy con chăm ngoan, học giỏi, lễ phép... kiến nghị với chính quyền các cấp xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em”.
Câu đầu tiên trong phần Xây dựng đội ngũ trí thức (trang 29) còn bỏ lửng, chưa diễn đạt hết ý. Tôi xin bổ sung như sau: “Xây dựng đội ngũ trí thức từng bước lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh...”.
Nguyễn Bảo
Công ty cao su Bình Long
* Chữ in nghiêng là trích nguyên văn trong dự thảo. Chữ in đậm là phần bổ sung của tác giả
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065