Trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận về con số hơn 34.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia để nói rõ thêm về vấn đề này trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam tối 16-4. Đồng thời, Văn phòng Bộ GD-ĐT cũng “đính chính” lại một số thông tin do ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT đồng thời là Thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông sau năm 2015 đưa ra tại cuộc họp báo ngày 15-4.
Cụ thể, theo Bộ GD-ĐT, số tiền 30.275 tỷ đồng khái toán để thực hiện "Đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015" bao gồm:
- 105 tỷ đồng để biên soạn chương trình - SGK và sách giáo viên (tại cuộc họp báo, ông Đỗ Ngọc Thống nói mất khoảng 5.000 tỷ đồng để biên soạn chương trình, SGK)
- 910 tỷ đồng để dạy thử nghiệm từ năm học 2016-2017 tại 600 trường (chiếm 20% tổng số trường) với 340.000 học sinh và 20.000 giáo viên (gồm tập huấn bồi dưỡng; đánh giá hoàn thiện sách giáo khoa, sách giáo viên và cấp sách giáo khoa thử nghiệm miễn phí cho học sinh, giáo viên).
- 8.150 tỷ đồng: Dạy học đại trà theo chương trình - SGK mới từ năm học 2018-2019 đối với các lớp đầu cấp, gồm triển khai dạy đại trà trên khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh; tập huấn bồi dưỡng dạy học đại trà chương trình - SGK mới cho khoảng 900.000 cán bộ, giáo viên…
- 20.000 tỷ đồng: Đầu tư trang thiết bị dạy học để thực hiện dạy học đại trà theo chương trình - SGK mới gồm bổ sung thay thế 50% thiết bị dạy học tối thiểu đã có; trang bị mới thiết bị do chương trình - SGK mới yêu cầu...
- 5.010 tỷ đồng: Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình - SGK mới gắn với xây dựng xã hội học tập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, kiểm tra đánh giá.
|
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định, đổi mới chương trình - SGK lần này sẽ không lãng phí. Chương trình và SGK của Việt Nam được thực hiện từ năm 2002. Nếu tính đến năm 2015 thì cũng đã là 13 năm. Chính bởi vậy, việc đổi mới chương trình - SGK là cần thiết, không khác với thông lệ của quốc tế cũng như nhu cầu phát triển GD-ĐT của nước nhà.
Khẳng định lại điểm mới của chương trình - SGK lần này so với hiện hành, Thứ trưởng Nguyển Vinh Hiển cho biết, sẽ chuyển mục tiêu cơ bản từ trang bị kiến thức cho người học sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học. Chương trình sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp cao ở tiểu học và THCS để học xong học sinh sẽ có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng, có khả năng vận dụng vào thực tế.
Ở THPT sẽ phân hoá mạnh bằng hệ thống các môn học và chuyên đề tự chọn để học sinh tiếp cận nghề nghiệp, phục vụ mục tiêu phân luồng và tạo tiền đề cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Khác với chương trình hiện hành chỉ tập trung đổi mới phương pháp dạy học nên kết quả hạn chế, chương trình mới sẽ coi trọng đổi mới đồng bộ cả phương pháp và hình thức giáo dục cũng như phương pháp thi, kiểm tra, đánh gia chất lượng giáo dục.
“Chúng ta chủ trương xây dựng một chương trình của quốc gia, trên cơ sở chương trình quốc gia dành một thời lượng nhất định cho các địa phương biên soạn nội dung dạy học phù hợp với mình; đồng thời giao quyền tự chủ về triển khai thực hiện chương trình ở các nhà trường. Mặt khác, khi có một chương trình, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng những tiêu chí đánh giá SGK. Dựa vào chương trình và tiêu chí đánh giá SGK, Bộ sẽ biên soạn một bộ SGK đầy đủ và đồng thời, các tổ chức, cá nhân có thể dựa vào đó để biên soạn những bộ SGK hoặc những quyển sách giáo khoa khác. Nhà trường, giáo viên, học sinh có thể chọn những bộ SGK phù hợp nhất với điều kiện, đặc điểm của mình để tổ chức dạy và học”, ông Hiển nhấn mạnh.
Thứ trưởng nhấn mạnh ngành giáo dục sẽ tính toán đến những điều kiện để có thể thực hiện chương trình - SGK mới tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Bộ GD-ĐT sẽ phải báo cáo những nội dung này để Quốc hội ra Nghị quyết, Chính phủ phê duyệt Đề án và tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065