Mua đất làm bãi rác
Hơn 1 năm qua, hình ảnh xe máy cày do ông Trần Như Hai và ông Trần Thanh Hùng (thành viên Ban quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, chất thải của xã Bình Thắng) trực tiếp vận hành chạy dọc các tuyến đường trung tâm xã Bình Thắng để thu gom rác thải của các hộ dân và cơ quan, trường học đã trở nên quen thuộc. Công việc nặng nhọc và độc hại khiến người ta nghĩ chỉ phù hợp với những thanh niên khỏe mạnh. Thế nhưng, những thùng rác to, nặng đã được 2 người đàn ông gần 60 tuổi thay phiên nhau bê, vác lên xe một cách thuần thục.
Ông Hùng cho biết: “Khi chưa có bãi rác và chưa có đội thu gom rác thải thì đầu đường vào xã là một bãi rác ngập ngụa, hôi thối. Không có nơi bỏ rác theo quy định nên tiện đâu, người ta vứt đó. Giờ xã bố trí thùng rác công cộng, gia đình nào cũng có thùng rác và khi chúng tôi đi thu gom tới đâu người dân mang rác ra tới đó. Chúng tôi còn sức khỏe thì còn làm, bởi mình hăng hái thì người dân sẽ phải ý thức cao hơn”.
Quán cà phê của chị Phạm Thị Cúc ở thôn 2A, ngay trung tâm xã Bình Thắng thường xuyên đông khách. Lượng rác thải nhiều nên từ khi có xe thu gom thì chị không lo chở rác đi đổ chỗ khác. Chị Cúc cho biết: “Mỗi tháng bình quân 1 gia đình đóng 40 ngàn đồng phí nhưng sạch sẽ, tiện lợi. Bà con hàng xóm luôn nhắc nhở nhau không được đổ chất thải rắn trước nhà, ra lòng, lề đường và những nơi cộng cộng”.
Xã Bình Thắng có 11 thôn, dân cư đông khiến lượng rác thải thu gom mỗi ngày khoảng vài tạ đến 1 tấn nên bãi chứa mau đầy. Vì vậy, mỗi lần chở rác ra bãi tập kết, ông Hùng lại tranh thủ cào bới rác cho khô để tiêu hủy nhằm giảm tải. Bãi chứa rác của xã Bình Thắng mới được quy hoạch, sử dụng với tổng diện tích 1,2 ha, xa khu dân cư trên 2km và được ngăn cách bởi hàng chục lô cao su của Nông trường 1 thuộc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng và rẫy điều của người dân địa phương. “Để có bãi chứa rác, lãnh đạo xã đã linh hoạt cân đối ngân sách, đồng thời tuyên truyền và mua lại vườn điều của người dân để làm. Hiện xã mới sử dụng 1/3 diện tích làm hố chứa, số còn lại vẫn để người dân thu hoạch điều. Việc xử lý, tiêu hủy rác tuy còn thô sơ, chưa có khoa học - công nghệ nhưng đó là cả một quyết sách” - Chủ tịch UBND xã Bình Thắng Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Bà Võ Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 2B, xã Bình Thắng cho biết: Từ khi xã Bình Thắng được công nhận đạt chuẩn NTM thì từng xóm, tổ dân cư và từng gia đình đều nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Hằng ngày, gia đình bà thực hiện phân loại rác thải gồm: 1 thùng nhựa dùng để đựng rác dễ tiêu hủy và chiếc sọt sắt dùng để đựng lon bia, các loại rác có thể tái chế. Xã đạt chuẩn NTM thì cuộc sống và ý thức của người dân phải đổi mới, văn minh, sạch sẽ, mà trước hết là sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ thôn…
Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm luôn khó thực hiện. Đối với những xã đã được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM thì tiêu chí này cũng dễ bị rớt chuẩn. Bởi đây là tiêu chí mềm, liên quan nhiều tới ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng. Hầu hết các xã về đích NTM tại huyện Bù Gia Mập đều chú trọng tiêu chí này, trong đó Bình Thắng đã chủ động thực hiện một cách quyết liệt. |
Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bù Gia Mập Mai Văn Chương |
Phong trào xây dựng NTM ngày càng phát huy vai trò của các hội, đoàn thể ở cơ sở. Nếu như Hội cựu chiến binh đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Hội nông dân và Đoàn thanh niên xung kích phát triển kinh tế thì Hội phụ nữ chú trọng xây dựng những tuyến đường hoa. Chị Trần Thị Hương Nhạn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thắng cho biết: “Hiện xã có trên 10km đường bê tông đã được các chi hội trồng hoa hai bên đường. Mùa mưa, những loại hoa như mười giờ, chiều tím, huyết dụ, cỏ lạc và chuông vàng phát triển tốt. Hằng ngày, hoa trồng trước cửa nhà ai thì nhà nấy chăm sóc. Hằng tháng, chi hội đều tổ chức nhổ cỏ, bón phân, trồng dặm những chỗ bị xói mòn để những tuyến đường ngày càng nhiều sắc hoa rực rỡ”.
Chủ tịch UBND xã Bình Thắng Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: Đường bê tông tới đâu, nhân dân xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tới đó. Tổng các tuyến đường trục chính và đường xương cá trên địa bàn xã nay đã được thắp sáng khoảng 70%. Trong đó có nhiều tuyến người dân xây dựng kiên cố với trụ cột vững chắc và đèn cao áp sáng. Bình quân mỗi kilômét đường điện chiếu sáng chi phí khoảng 70 triệu đồng. Ngoài 1km xã được tài trợ, còn lại do nhân dân đóng góp kinh phí thực hiện.
Tiêu chí về xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn đối với nhiều xã trong tỉnh còn chưa đạt chuẩn, nguyên nhân là do hầu hết các địa phương thiếu quỹ đất để quy hoạch bãi chứa rác. Một bộ phận người dân ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng kém, còn vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Do vậy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng cách làm như xã Bình Thắng rất cần nhân rộng nhằm bảo vệ môi trường sống khu dân cư trong lành, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065