Những giải pháp đồng bộ
Những năm đầu triển khai đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, giáo viên; bên cạnh đó, Bình Phước có nhiều xã vùng sâu, xa nên một trường mẫu giáo có tới vài điểm trường lẻ. Khoảng cách từ điểm lẻ đến điểm trường chính khá xa, ảnh hưởng lớn đến giáo dục, chăm sóc trẻ. Qua 5 năm triển khai đề án, ngành học mầm non đã phát triển nhanh về quy mô trường lớp, số lượng trẻ ra lớp. Thị xã Đồng Xoài là đơn vị dẫn đầu trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Trường mầm non Tân Khai, xã Tân Khai (Hớn Quản) luôn làm tốt huy động trẻ 5 tuổi ra lớp
Thị xã hiện có 16 trường mầm non (11 trường công lập, 5 trường tư thục) và 11 cơ sở mầm non tư thục được cấp phép với 188 nhóm, lớp (53 lớp 5 tuổi). Thực hiện đề án, Đồng Xoài đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bậc học mầm non trong giai đoạn hiện nay. Từ năm học 2012-2013 đến nay, Đồng Xoài đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Năm học 2015-2016, tổng số trẻ của thị xã được vận động ra lớp là 1.750 cháu, đạt 100%. Trong đó, trẻ học 2 buổi/ngày là 1.739 cháu, đạt 99,8%; trẻ hoàn thành chương trình GDMN 1.732 cháu, đạt 99%. Tổng số trẻ từ 0 đến 5 tuổi ra học mầm non 6.076/11.283 trẻ, đạt 53,9%.
Chơn Thành là huyện điển hình về duy trì đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Cùng với sự đầu tư của ngành giáo dục, huyện chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xây dựng, mua sắm trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Toàn huyện hiện có 8 trường mầm non công lập và 18 trường, cơ sở mầm non tư thục. Chơn Thành có lượng công nhân từ nhiều tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc nên nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh rất lớn. Năm học 2016-2017, Chơn Thành có trên 4.000 trẻ đến trường, trong khi trường mầm non công lập chỉ đáp ứng trên 2.000 trẻ. Số còn lại phải học ở các trường và cơ sở mầm non tư thục; trong đó khoảng 50% cháu không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Đặc biệt, có những trường, cơ sở mầm non tỷ lệ các cháu không phải người địa phương lên đến gần 90%.
Quê ở tỉnh Thanh Hóa, vợ chồng chị Trương Thị Sáu, công nhân Công ty TNHH Việt Nam Nicever, Khu công nghiệp Chơn Thành cũng như nhiều công nhân xa quê khác, ở nhà thuê, cuộc sống tạm bợ và nỗi lo không có chỗ gửi khi con đến tuổi vào mẫu giáo. Nhờ có trường mầm non tư thục gần nơi làm việc nên chị Sáu không phải loay hoay tìm chỗ gửi con. “Mức học phí 900 ngàn đồng/tháng ở trường mầm non tư thục vừa phải, phù hợp với điều kiện kinh tế của những gia đình công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp” - chị Sáu chia sẻ.
Bà Mạc Thị Thanh Bình, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành cho biết: Huyện đặc biệt ưu tiên chú trọng đến xã hội hóa giáo dục. Đồng thời khuyến khích, tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư phát triển trường mầm non ngoài công lập, nhất là địa bàn xã có khu công nghiệp. Phát triển hệ thống các trường, cơ sở mầm non tư thục không những đáp ứng nhu cầu của nhân dân, giảm tải cho các trường công lập mà còn nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần tăng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp. Mặc dù tỷ lệ dân số tăng cơ học cao nhưng những năm qua, việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của huyện luôn đạt 100%.
Kết quả từ sự chăm lo giáo dục
5 năm qua, mạng lưới trường lớp bậc học mầm non của Bình Phước không ngừng mở rộng và phát triển, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang. Năm 2011, tỉnh chỉ có 100 trường mầm non, đến năm 2015 đã tăng lên 141 trường; trong đó có 130 trường công lập, 11 trường tư thục cùng với 109 cơ sở mầm non tư thục. Đến nay, Bình Phước đã có 19 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tăng 17 trường so với năm 2010. Hầu hết các điểm trường chính đều xây dựng mới, kiên cố hóa, khang trang, an toàn, sạch đẹp.
Để khuyến khích và huy động trẻ ra lớp, các chế độ, chính sách đối với trẻ mầm non được ưu tiên thực hiện như: Miễn giảm, hỗ trợ học phí; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ theo quy định. Giai đoạn 2011-2015, Bình Phước đã hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ với tổng kinh phí 13,739 tỷ đồng; hỗ trợ học phí học tập là 15,558 tỷ đồng. |
Bà Vũ Thị Kim Huệ, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT cho biết: Hằng năm, các đơn vị đều tổ chức đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, trong đó giáo viên dạy lớp 5 tuổi loại khá trở lên đạt 88,4%; 100% giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 74,77%. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh tuyển thêm 1.278 giáo viên, nhân viên cho ngành mầm non, nâng tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 4.421 biên chế. Đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần không nhỏ trong thực hiện đề án phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi của tỉnh.
GDMN là cấp học nền móng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Được tiếp cận với chương trình sớm thì những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được sẽ là nền tảng cho việc học tập sau này. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí đầu tư cho hệ GDMN của tỉnh gần 877 tỷ đồng. Tính đến tháng 9-2016, 111/111 xã, phường, thị trấn của Bình Phước đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Đối chiếu theo các tiêu chí quy định, đến tháng 12-2016, Bình Phước đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065