BP - 20 năm đã đi qua. Người dân Bình Phước hôm nay ai cũng bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên của năm 1997. Đó là mốc thời gian mang dấu ấn đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước! Mới đó mà những đứa trẻ oa oa chào đời vào những ngày đầu tái lập tỉnh bây giờ đã là sinh viên năm thứ 2 của các trường đại học; là những anh, chị công nhân trên lô cao su, trong các khu công nghiệp… Tuổi 20 của họ thật đẹp, bởi họ rất tự hào mình sinh ra đúng những ngày mà cái tên thân thương Bình Phước xuất hiện trở lại trên bản đồ của Tổ quốc và in đậm trong vùng quê “miền Đông gian lao mà anh dũng”!
Tỉnh Bình Phước được tái lập gồm những huyện phía Bắc là địa bàn rất khó khăn của tỉnh Sông Bé cũ. Đó là vùng sâu, vùng xa nhưng đầy ắp chiến công trong các cuộc kháng chiến của những huyện Bù Đăng, Phước Long, Lộc Ninh, Bình Long và Đồng Phú. Nơi mà âm vang của “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”; căn cứ Tà Thiết, rừng Bù Gia Mập... vẫn mãi in đậm trong những trang sử vàng của dân tộc. Theo lịch sử, ngày 30-1-1971, Trung ương Cục miền Nam thành lập phân khu Bình Phước. Cuối năm 1972, phân khu Bình Phước giải thể, tỉnh Bình Phước chính thức được thành lập. Năm 1976, thành lập tỉnh Sông Bé bao gồm tỉnh Bình Dương và Bình Phước ngày nay. Ngày 1-1-1997, tỉnh Sông Bé chia tách thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước. Một vài nét về lịch sử để thấy rằng việc tỉnh Bình Phước được tái lập không chỉ là nguyện vọng, là niềm mong ước của nhân dân mà còn bảo đảm sự hài hòa dòng chảy lịch sử của một vùng quê miền Đông Nam bộ từ trong gian lao kháng chiến đến ngày hòa bình, xây dựng và kiến tạo đất nước.
Một góc trung tâm thị xã Đồng Xoài - Ảnh: Sỹ Hòa
Nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước ai cũng còn nhớ những ngày đầu tỉnh tái lập với vô vàn khó khăn. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều có xuất phát điểm rất thấp trong khu vực. Đời sống của người dân thấp kém, tỷ lệ hộ đói, nghèo còn cao, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 1997, thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt 176 tỷ đồng và thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 197 USD/năm. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ rất thấp, trong khi dân di cư tự do từ các tỉnh, thành trong cả nước đến Bình Phước ngày càng đông, gây áp lực rất lớn cho tỉnh. Hạ tầng cơ sở các vùng trong tỉnh còn yếu kém, số kilômét đường nhựa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đội ngũ cán bộ của tỉnh những năm đầu vừa thiếu vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Ngành giáo dục - đào tạo thiếu trên 1.200 giáo viên. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, toàn tỉnh chỉ có 53/64 xã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học...
Niềm vui tái lập tỉnh tràn ngập khi Ban Chấp hành Đảng bộ, UBND tỉnh lâm thời và cán bộ khung của các sở, ban, ngành ra mắt nhân dân... Cũng ngay hôm ấy, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Khó khăn về chỗ làm việc, nơi ăn nghỉ của đội ngũ cán bộ chỉ là trước mắt, tạm thời; phải làm sao để huy động được sức mạnh của toàn dân, tạo sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh mới là vấn đề lo lắng nhất của ban lãnh đạo tỉnh Bình Phước lúc bấy giờ. Trước những khó khăn chồng chất, Đảng bộ tỉnh đã trăn trở tìm hướng đi thích hợp. Trải qua 20 năm xây dựng, Bình Phước đã có những bước phát triển quan trọng, đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn qua từng giai đoạn.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ VII, VIII, IX, Đảng bộ tỉnh đã ban hành các chương trình đột phá toàn diện trên tất cả lĩnh vực, với tư tưởng chỉ đạo là phát triển nhanh và toàn diện theo hướng bền vững. Toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách, kịp thời điều chỉnh nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Tỉnh chú trọng khai thác hiệu quả các thế mạnh về tài nguyên, đẩy mạnh chương trình đột phá nên đã đưa quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng đạt khá; chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, kinh tế - xã hội của Bình Phước có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt. Kết quả, có 5/24 chỉ tiêu vượt, 17/24 chỉ tiêu đạt và 2/24 chỉ tiêu xấp xỉ đạt so với Nghị quyết của Tỉnh ủy. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá và đạt kế hoạch đề ra (tăng 6,6% so với năm 2015). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm từ 36,1% xuống còn 33,8%. Sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp thiên tai nhưng vẫn tăng 0,36% so với năm 2015. Chương trình xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của cả hệ thống chính trị nên 12 xã phấn đấu về đích trong năm 2016 đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thu ngân sách vượt kế hoạch, ước thực hiện 4.150 tỷ đồng, đạt 104% Nghị quyết của Tỉnh ủy. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 42,1 triệu đồng, tăng 5,5% so với năm 2015. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên, đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh đạt 51 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Số hộ nghèo cuối năm 2016 còn 4.637 hộ, chiếm 1,95% theo chuẩn cũ và 5,65% theo chuẩn mới... Nếu so sánh những con số này với năm 1997 thì quả là “một trời, một vực”! Sự phát triển của tỉnh Bình Phước 20 năm qua thể hiện rõ nhất là đời sống nhân dân, là hạ tầng cơ sở ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... đã hoàn toàn đổi thay. Đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng; sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, sự đoàn kết thống nhất và năng động, sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cấp ủy các cấp đã làm nên diện mạo Bình Phước hôm nay.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh; tạo động lực đưa Bình Phước phát triển nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Những mục tiêu ấy được triển khai thực hiện và đã đạt những kết quả tích cực ngay trong năm 2016. Sức trẻ tuổi 20 của Bình Phước đã và sẽ tiếp tục vươn lên để thực hiện thành công sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065