NIỀM TIN VÀO TƯƠNG LAI
>> Bài 1: Sự phát triển vượt bậc
BP - Bình Phước có bước tiến chậm do thất thế vị trí địa lý nhưng theo các nhà hoạch định, bù lại tỉnh có đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi, quỹ đất sạch lớn… Đây là điều kiện để Bình Phước thu hút đầu tư, liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp để đột phá kinh tế trong giai đoạn mới.
TĂNG TRƯỞNG GẤP 40 LẦN
Năm đầu tái lập, toàn tỉnh thu ngân sách chỉ 176 tỷ đồng. Sau 20 năm, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Riêng năm 2016, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 4.150 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cho biết: Những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên phát triển công nghiệp. Kết quả là cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng. Cụ thể, những năm đầu mới tái lập, Bình Phước là tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp. Sau 20 năm, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ. Đến cuối năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội gấp hơn 41 lần; cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ tăng gần 17% so với năm 1997. Từ chỗ hàng hóa ít ỏi, khan hiếm, đến nay mạng lưới thương mại của các thành phần kinh tế phủ khắp tỉnh. Năm 1997, Bình Phước chỉ có 4 doanh nghiệp quốc doanh, 104 doanh nghiệp ngoài nhà nước và khoảng 7.450 cơ sở hoạt động thương mại - dịch vụ, giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động. Đến nay, số doanh nghiệp tăng 13 lần, số cơ sở thương mại tăng gần 7 lần và số lao động được giải quyết việc làm tăng gấp hơn 6 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Công nhân chăm sóc dưa lưới tại Hợp tác xã Nguyên Khang Garden, xã Tân Thành (Đồng Xoài) - Ảnh: Hồng Cúc
Kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư đổi mới với hệ thống 56 chợ truyền thống phân bố rộng khắp tỉnh, 4 trung tâm thương mại và 1 siêu thị với cơ sở vật chất khá hiện đại, phương thức mua bán văn minh, mang lại diện mạo mới cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Riêng năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 32.500 tỷ đồng, tăng hơn 36 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 352 triệu USD, tăng gần 40 lần; kim ngạch nhập khẩu đạt 375 triệu USD, tăng hơn 190 lần...
Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân. Đến nay, Bình Phước có khoảng 5.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký gần 37.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 159 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 142 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Kéo theo sự phát triển của các khu công nghiệp là diện mạo nông thôn, đô thị thay đổi; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển; nhiều khu dân cư mới được xây dựng đã trở nên đông đúc. Đến năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của Bình Phước đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 245 lần so với năm tái lập tỉnh.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Huỳnh Thành Chung, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết: Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua thách thức, đạt nhiều thành quả khích lệ. Chúng tôi đánh giá cao chính quyền tỉnh Bình Phước mạnh dạn điều chỉnh thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, trao đổi tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bình Phước có dư địa phát triển kinh tế rất lớn, nhất là về công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản như cao su, hồ tiêu, điều và đang hình thành nhiều thương hiệu, sản phẩm xuất khẩu đi khắp thế giới; trở thành địa phương có nhiều sản phẩm uy tín. Bình Phước có thổ nhưỡng tốt, thời tiết thuận lợi, là cơ hội đầu tư, phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, gần đây tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tốt hơn, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa.
Đi liền với “công nghiệp hóa”, Bình Phước cũng tăng mạnh tỷ trọng ngành nông nghiệp; trong đó nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chế biến đang gia tăng mạnh. Cơ cấu nội ngành phát triển tích cực, đúng hướng, tăng tỷ trọng trong lĩnh vực chăn nuôi. Sản xuất từng bước gắn với chế biến và xuất khẩu, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Việc chuyển đổi cơ cấu trồng trọt được tỉnh quan tâm, ưu tiên tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu, ca cao, cây ăn trái. Bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh cây điều ở Bù Đăng, Bù Gia Mập; cao su ở Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú; hồ tiêu ở Lộc Ninh, Bù Đốp... Các vùng chuyên canh từng bước được cơ giới hóa. Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất cao, chất lượng tốt. So với năm đầu tái lập tỉnh, diện tích cây điều đã tăng gấp hơn 5 lần, cây tiêu tăng gấp hơn 4 lần, cây cao su tăng gấp hơn 2 lần. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như cao su, hạt điều, hạt tiêu, linh kiện điện tử, đồ gỗ... đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần đây, Bình Phước cho ra đời nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới mở ra phong trào nông dân tham gia tổ hợp sản xuất lớn; đồng thời đưa những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch vào sản xuất liên kết để theo kịp lộ trình hội nhập, đáp ứng đầu ra sản phẩm an toàn; đảm bảo chất lượng và giữ được giá ổn định. Đây cũng là giải pháp để đưa Bình Phước tiến tới “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới.
CHUYỂN MÌNH “CÔNG NGHIỆP HÓA”
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù còn lệ thuộc nhiều vào ngành nông nghiệp nhưng những tín hiệu chuyển mình “công nghiệp hóa” đang ngày càng mạnh mẽ, thúc đẩy đổi mới ở Bình Phước. Bình Phước đang tập trung huy động đồng bộ các thành phần kinh tế tham gia đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đồng thời khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ: “Nhìn về tương lai hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước tôi thấy quá lạc quan. Đối với Bình Dương thì rõ rồi, phát triển rất nhanh, hứa hẹn nhiều triển vọng tiếp tục phát triển nhanh nữa. Bình Phước phát triển có chậm hơn nhưng triển vọng sáng sủa. Do vị trí địa lý nên chậm một chút, nhưng có sự chuẩn bị kỹ về nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng tốt thì tương lai Bình Phước phát triển không thua các tỉnh, thành khác”.
Dương Chí Tưởng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065