Từ chủ trương mời gọi đầu tư của UBND tỉnh, năm 2014, Công ty cổ phần môi trường Bình Dương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng Chi nhánh cấp nước Chơn Thành với công suất 60.000m3/ngày đêm; giai đoạn 1 là 30.000m3/ngày đêm và chính thức hoạt động từ năm 2016. Ông Đỗ Hữu Hậu, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Chơn Thành cho biết: Nhà máy nước Chơn Thành được đầu tư theo hướng đồng bộ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý, đảm bảo các yêu cầu về chuẩn nước sinh hoạt theo quy định. Tất cả thông số kỹ thuật đều được giám sát chặt chẽ thông qua hệ thống máy điện tử đặt tại trung tâm.
Sự ra đời của Chi nhánh cấp nước Chơn Thành đã góp phần giải quyết nhu cầu nước sạch của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Ông Trần Thanh Hiền, Công ty Beesco Dcentet, Khu công nghiệp Chơn Thành cho biết, trước đây nguồn nước của công ty đều lấy từ giếng đào không đảm bảo chất lượng, mỗi khi mất điện thì không có nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của công nhân, nay sử dụng nguồn nước sạch của nhà máy nên rất thuận lợi. Ông Đỗ Văn Tường, tổ 1, khu phố 4, thị trấn Chơn Thành cho biết, khu vực này nước nhiễm phèn rất nặng. Vì không có nước máy nên người dân phải sử dụng nước từ các giếng khoan, không đảm bảo chất lượng. Nay có nước sạch của Chi nhánh cấp nước Chơn Thành, người dân ai cũng phấn khởi.
Một góc Nhà máy nước IDICO Bình Phước
Với phương châm đảm bảo nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, Công ty cổ phần thủy điện Srok Phu Miêng cũng đã xây dựng Nhà máy nước IDICO Bình Phước với công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm. Ông Bùi Hải Nam, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, giai đoạn 1 nhà máy chỉ vận hành với công suất 5.000m3/ngày đêm để cung cấp nước sạch cho Nhà máy Xi măng Bình Phước, Tiểu đoàn 208 (Trung đoàn 736, Bộ CHQS tỉnh), người dân xã Thanh Lương, thị xã Bình Long. Chủ trương của công ty là muốn nâng công suất nhà máy theo đúng thiết kế ban đầu. Tuy nhiên do người dân còn thói quen dùng nước giếng đào, giếng khoan và quan trọng hơn, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm phối hợp với nhà máy nên việc cung cấp nước sạch cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện người dân ở xã Thanh An (Hớn Quản) và một số địa bàn khác thuộc thị xã Bình Long đang trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Để thực hiện tốt chủ trương cung cấp nước sạch cho người dân và doanh nghiệp, công ty mong muốn được hợp tác với chính quyền địa phương và doanh nghiệp, đảm bảo tiêu chí nước sạch nông thôn.
Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Phước là một trong những doanh nghiệp chủ lực của tỉnh trong việc cung cấp nước sạch cho người dân thành phố Đồng Xoài và các khu vực lân cận. Ông Huỳnh Văn Lâm, Tổng giám đốc công ty cho biết, thời gian qua bằng nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng của tỉnh, công ty đã xây dựng, đưa vào sử dụng Nhà máy nước Đồng Xoài có công suất thiết kế 60.000m3/ngày đêm, giai đoạn 1 là 20.000m3/ngày đêm. Nhà máy được xây dựng đạt chuẩn quốc tế về cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nhà máy nước Đồng Xoài hoàn thành đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và cung cấp nước phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Đồng Xoài, Đồng Phú.
Một góc Nhà máy nước IDICO Bình Phước
Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, Bình Phước là tỉnh thuộc khu vực có nguồn tài nguyên nước ngọt phong phú cả về lượng mưa, lượng nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất. Việc quan tâm và thu hút đầu tư phát triển cấp nước trong những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Ở khu vực thành thị, các doanh nghiệp đã đáp ứng công suất khoảng 60.000m3 nước/ngày đêm, đảm bảo đủ khả năng cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng của các khu công nghiệp, doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn có hệ thống cấp nước. Ở khu vực nông thôn, tính đến hết năm 2018 có khoảng 97,79% số dân sử dụng nước hợp vệ sinh; 79,41% người nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh; 97,53% trường học có nước hợp vệ sinh.
Ông Lê Đăng Nhật, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, việc cung cấp nước sạch còn hạn chế và tập trung ở các khu đô thị như 2 thị xã Bình Long, Phước Long, thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành, thị trấn Đức Phong (Bù Đăng). Vì vậy, trong thời gian tới, các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước để các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện. Nguồn nước ngầm đang có xu hướng giảm, do đó việc tận dụng nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ phục vụ sinh hoạt và sản xuất của doanh nghiệp là xu hướng tất yếu.
Đức Hiến
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065