Thực trạng và thách thức
Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh còn 25 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10% cần được tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển. Trong tổng số 14.627 hộ nghèo có 13.789 hộ tập trung chủ yếu ở nông thôn, còn lại là thành thị. Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo cao là do thiếu đất canh tác, vốn sản xuất, đông người ăn theo, thiếu phương tiện sản xuất, không có việc làm ổn định, không biết cách làm ăn và tay nghề. Mặt khác, trình độ học vấn và nhận thức của những hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thấp, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo khó khăn do các chính sách, dự án thực hiện chủ yếu bằng vốn phân bổ của Trung ương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ giảm nghèo thấp, nhất là đội ngũ cán bộ giảm nghèo cấp xã, không đảm bảo cuộc sống nên họ không gắn bó lâu dài với công việc.
Một góc khu định canh, định cư Tiểu khu 119, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập)
Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hộ nghèo trong tỉnh năm 2016 được phân thành 2 nhóm. Nhóm 1 có 4.152 hộ thuộc chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) và hộ nghèo có thành viên là đối tượng BTXH. Đây là nhóm khó có khả năng thoát nghèo, chủ yếu sống dựa vào sự bảo trợ của Nhà nước, cộng đồng, cần tập trung các chính sách hỗ trợ, BTXH. Nhóm 2 gồm 10.475 hộ thuộc chính sách giảm nghèo, không có thành viên là đối tượng BTXH, cần tập trung các chính sách, dự án hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Nỗ lực xóa nghèo
Nhằm giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đề ra những chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở; tín dụng ưu đãi; miễn, giảm học phí và chi phí học tập; hỗ trợ y tế; trợ giúp pháp lý... Những chính sách này như đòn bẩy giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 45.874 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn xóa đói giảm nghèo; 1.331 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở từ chính sách tín dụng ưu đãi... và 68.313 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt. Chính sách khuyến học - khuyến tài đã giải quyết cho 1.513 lượt học sinh, sinh viên vay vốn, tiếp bước cho em đến trường.
Để chăm sóc sức khỏe người nghèo và đồng bào DTTS sinh sống tại các vùng khó khăn, tỉnh đã cấp 651.803 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với kinh phí trên 361 tỷ đồng. Các huyện Đồng Phú, Chơn Thành còn huy động nguồn vận động bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT cho hộ cận nghèo. Ngành chức năng tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động 267 đợt cho 1.883 lượt người nghèo; tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và triển khai văn bản pháp luật cho trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, cộng tác viên và thành viên các ban chủ nhiệm, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với 477 người tham dự. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp 236.048 người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn với tổng kinh phí 20,644 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất cho 410 hộ; mua sắm nông cụ, dụng cụ sản xuất cho 1.211 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.878 hộ... giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, vận động xây dựng được 3.021 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí 87,219 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư, Bình Phước được phê duyệt 12 dự án với 1.378 hộ thụ hưởng, kinh phí thực hiện 142,762 tỷ đồng. Hiện nhiều dự án định canh, định cư cho đồng bào DTTS đã hoàn thành, như khu định canh, định cư 33 ở xã Đồng Nai (Bù Đăng), khu định canh, định cư 33 xã Lộc Thành (Lộc Ninh), khu định canh, định cư Tiểu khu 119, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập)...
Ông Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: “Trước đây, 42 hộ đồng bào DTTS ở thôn Tân Lập rất khó khăn, phải ở nhà tạm, dột nát; thiếu đất sản xuất, trẻ em không được đến trường. Năm 2015, khu định canh, định cư Tiểu khu 119 (thôn Hai Căn) được thành lập, đưa 42 hộ dân tộc S’tiêng về định cư nên cuộc sống của người dân đã khởi sắc hơn. Ngoài đất ở, đất sản xuất, các hộ còn được hỗ trợ xây nhà kiên cố và cây - con giống phục vụ sản xuất”. Bà Thị Khôn, người dân ở khu định canh, định cư Tiểu khu 119 cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền mà chúng tôi có nơi ở mới và nhà cửa khang trang, lại có đất sản xuất, đường giao thông đi lại thuận tiện nên yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Bà Phạm Thị Mai Hương cho biết thêm, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo là do thiếu vốn sản xuất. Sở đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những chỉ tiêu cụ thể, như: Giải quyết cho 9.200 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khoảng 238 tỷ đồng; hỗ trợ 7.045 hộ cận nghèo khoảng 191 tỷ đồng và cho 20.670 hộ mới thoát nghèo vay vốn khoảng 516 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ 19.650 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ khó khăn vay vốn khoảng 221,39 tỷ đồng; hỗ trợ miễn giảm học phí và chi phí học tập cho 54.932 lượt người với kinh phí dự kiến 24,042 tỷ đồng. Tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS bình quân 2%/năm/tổng số hộ nghèo DTTS toàn tỉnh. Hỗ trợ đầu tư xây dựng đường, điện, trường, trạm, công trình thủy lợi... ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với kinh phí dự kiến thực hiện mỗi năm 933 tỷ đồng.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065