BÀI 2: THỜI CƠ VÀ CHIẾN LƯỢC
Với điều kiện tự nhiên, địa lý thuận lợi, Bình Phước đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: Cơ bản các sản phẩm của chăn nuôi được sản xuất theo phương thức trang trại, công nghiệp; đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu; nâng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 11,5% năm 2015 và 15% năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên và sớm trở thành trung tâm chăn nuôi công nghiệp lớn của khu vực và cả nước, Bình Phước cần có những điều kiện gì?
THỜI CƠ ĐANG ĐẾN, NHƯNG...
Phần lớn diện tích đất nông - lâm nghiệp ở Bình Phước trồng cây lâu năm nên có điều kiện xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung, công nghiệp, đảm bảo vệ sinh, thú y. Hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh hiện là nơi tập trung nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, ở các địa phương này đang diễn ra nhanh, mạnh mẽ quá trình đô thị hóa và xây dựng các khu công nghiệp. Do đó, các trang trại chăn nuôi bắt buộc phải di dời và điểm hướng đến lý tưởng hiện nay là Bình Phước.
Nuôi gà đẻ trứng theo quy mô công nghiệp hiện đại ở doanh nghiệp Hùng Nhơn
TP. Hồ Chí Minh là thị trường có sức tiêu thụ sản phẩm lớn nhất cả nước với yêu cầu chất lượng và giá cao. Bình Dương đang xây dựng các khu công nghiệp và đô thị ở vùng giáp ranh với Bình Phước, như ở huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo... thu hút nhiều lao động nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, nhất là thịt gia súc, gia cầm cho các công ty cung cấp thức ăn công nghiệp. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng những năm qua. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để thay đổi nhận thức của người chăn nuôi và hệ thống quản lý ngành chăn nuôi - thú y cũng như ý thức người tiêu dùng thực phẩm.
Những năm tới, khi diện tích đất nông - lâm nghiệp không thể tăng thêm, chăn nuôi sẽ là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế tăng tỷ trọng chăn nuôi chính là giải pháp hữu hiệu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ở miền Đông Nam bộ và cả nước tăng lên, để cân đối cho tiêu dùng, các khu vực này phải nhập thịt thương phẩm từ các vùng khác và thậm chí cả nước ngoài.
Tất cả những yếu tố đó sẽ tạo nên cơ hội lớn cho Bình Phước mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong cả nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Một số cơ chế chính sách mới như vay vốn tín dụng, đất đai, kinh tế trang trại, thuế... đang được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Đây cũng là cơ sở để tỉnh xác định từ nay đến năm 2020 chăn nuôi được xem là ngành quan trọng và được ưu tiên phát triển.
... BÌNH PHƯỚC CÓ NẮM ĐƯỢC?
Thực tiễn từ những nước có nền chăn nuôi tiên tiến, phát triển, hiệu quả kinh tế cao trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc... cho thấy, để có thể cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, buộc phải chăn nuôi tập trung. Cần có sự chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi phân tán và quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi tập trung. Phát triển chăn nuôi gắn kết chặt chẽ và đồng bộ từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, đồng thời ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn kết hợp an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Để làm được điều này, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích đầu tư nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, tăng cường hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống giám định sản phẩm về chăn nuôi và thú y. Song song đó là áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao sẽ phải tập trung phát triển chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao như nuôi gà, heo... nhằm tạo việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập của khu vực nông nghiệp. Điều đó góp phần vào việc cải thiện dinh dưỡng cho người dân và thúc đẩy tiến trình giảm nghèo. Song song đó là khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn; hỗ trợ tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi truyền thống chuyển dần sang phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp. Củng cố và nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thú y từ tỉnh - huyện - xã.
Quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh đặt ra mục tiêu: Nâng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 11,5% trong năm 2015 và 15% vào năm 2020. Các sản phẩm chăn nuôi sẽ sản xuất theo phương thức trang trại công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng được phần lớn nhu cầu thực phẩm tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu ra thị trường bên ngoài.
Hiện nay một số nước trên thế giới đã không khuyến khích, thậm chí đưa ra những biện pháp chế tài nhằm giảm chăn nuôi trang trại công nghiệp với quy mô lớn, như Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch... Nguyên nhân chính là vấn đề bảo vệ môi trường và kiểm soát chất thải phân bón. Tuy nhiên, ở những nước này, do mức độ đô thị hóa cao và diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả chăn nuôi và trồng cây đều hạn chế - ở góc độ này có thể xem như tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
Ngược lại, chất thải phân bón trong quá trình chăn nuôi ở Bình Phước - với phần lớn diện tích trồng cây công nghiệp - lại trở thành một lợi thế. Bởi lẽ, phân bón từ các trang trại chăn nuôi, nếu được kiểm soát và chuyển về các nhà máy chế biến, các trang trại trồng trọt sẽ mua được với giá rẻ hơn. Thậm chí, với nhiều trang trại liên kết hoặc thực hiện mô hình V.A.C (vườn - ao - chuồng) sẽ phát huy tối đa hiệu quả và nếu làm thêm bioga sẽ cho hiệu quả hơn nữa khi cung cấp một lượng khí ga đáng kể, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư, tỉnh đã quy hoạch một số vùng chuyên biệt dành cho phát triển chăn nuôi. Đây có thể xem là những tín hiệu tích cực đầu tiên, đặt nền móng cho thực hiện một nền công nghiệp chăn nuôi hiện đại. Với những cơ hội cùng thế mạnh của địa phương, một tầm nhìn chiến lược của tỉnh, nếu khai thác hiệu quả, Bình Phước sẽ trở thành trung tâm chăn nuôi công nghiệp lớn của cả nước.
Trần Phương - Mỹ Thành
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065