BÀI 1: CÁI KHÓ BÓ CÁI KHÔN
Bình Phước trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lớn nhất cả nước (chiếm khoảng 30% tổng lượng thịt, trứng). Có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với định hướng chiến lược phát triển của vùng và xu hướng tất yếu của chăn nuôi công nghiệp... nên nhiều doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách đã đánh giá Bình Phước là điểm đến lý tưởng cho phát triển chăn nuôi hàng hóa. Ngành chăn nuôi Bình Phước có thể “cất cánh” trong thời gian tới và cần có những điều kiện gì để trở thành trung tâm công nghiệp chăn nuôi lớn của khu vực và cả nước?
AI ĐANG CHĂN NUÔI VÀ CHĂN NUÔI CHO AI?
Những năm qua, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Bình Phước đã đem lại giá trị kinh tế nhất định, trong đó có những đóng góp đáng kể cho thu nhập của một bộ phận dân cư, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chăn nuôi của Bình Phước chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Nuôi heo công nghiệp trong trang trại ở Hớn Quản
Từ năm 2006 đến năm 2010, do ảnh hưởng của dịch bệnh truyền nhiễm, chăn nuôi ở Bình Phước tăng với tốc độ khá chậm (bình quân gần 16%/năm) và cơ cấu giá trị sản xuất ngành ở mức thấp. Năm 2006, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 6,9%, đến năm 2011 chiếm chưa tới 10% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vật nuôi chủ yếu gồm heo, trâu, bò, gà, vịt... Thực trạng đó cho thấy kết quả chăn nuôi ở Bình Phước còn rất thấp so với tiềm năng và chưa tận dụng khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên.
Năm 2010, sản phẩm thịt chăn nuôi thương phẩm bình quân đạt 27,06 kg/người/năm, năm 2011 cũng chỉ đạt mức tương đương năm 2011. 5 năm qua, số lượng trâu, heo trong toàn tỉnh tăng không đáng kể, thậm chí bò còn giảm hơn 8.000 con (xấp xỉ 12% tổng số bò hiện nay). Riêng đàn gà tăng mạnh (từ 1,265 triệu con năm 2006 lên hơn 2 triệu con năm 2011) do có thêm nhiều trại nuôi công nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 215 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, trong đó có 147 trang trại chăn nuôi heo (dao động khoảng 100 ngàn con, chiếm khoảng 53% so với tổng số heo được nuôi trong tỉnh), 40 trang trại chăn nuôi gà (chiếm 52,1% tổng đàn), 28 trang trại chăn nuôi trâu, bò (chiếm 3,2% tổng đàn). Trong tổng số 215 trang trại chăn nuôi có 94 trang trại tư nhân (63 trang trại nuôi heo, 4 trang trại nuôi gà, 27 trang trại nuôi trâu, bò), 119 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài (84 trang trại nuôi heo, 35 trang trại nuôi gà), 2 trang trại chăn nuôi cổ phần (1 trang trại gà, 1 trang trại bò). Trang trại nuôi heo số lượng lớn nhất khoảng 14 ngàn con, trang trại nuôi gà lớn nhất khoảng 300 ngàn, trang trại nuôi trâu, bò nhiều nhất khoảng 700 con.
Thực tế cho thấy, phần lớn các trang trại ở Bình Phước chỉ chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, như Emivest, Japfa, CP... Đây cũng là những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, chiếm tỷ trọng sản lượng lớn trong cơ cấu chăn nuôi của tỉnh. Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi tư nhân hầu hết tự phát và có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa được đặt trong quy hoạch vùng cụ thể, gặp nhiều khó khăn, như vướng mắc về các vấn đề môi trường, pháp lý cũng như sự phản ứng của nhân dân trong khu vực do ảnh hưởng đến dân sinh. Ngược lại, các trang trại gia công cho công ty nước ngoài được đầu tư vốn lớn, kỹ thuật hiện đại nên không gặp phải khó khăn như vậy mà trở ngại chỉ ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Rõ ràng, những bất lợi đang thuộc về các trang trại tư nhân và khó có thể cạnh tranh được về quy mô với trang trại chăn nuôi công nghiệp gia công cho các công ty nước ngoài.
NHỮNG THÁCH THỨC KHÔNG DỄ VƯỢT QUA
Trâu, bò, heo - những vật nuôi hàng hóa chính, vẫn đang được chăn nuôi rải rác trong nhân dân. Tuy nhiên, cách thức chăn nuôi truyền thống của nhân dân chỉ đáp ứng được một phần nhỏ cho nhu cầu “tự cung tự cấp” ngay tại địa bàn, năng suất thấp và không thể đem lại hiệu quả kinh tế ở tầm vĩ mô. Đặc biệt, thực trạng chăn nuôi phân tán tiềm ẩn nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh - nỗi lo sợ lớn nhất trong chăn nuôi. Một số bệnh nguy hiểm như dịch heo tai xanh, cúm gia cầm gây rủi ro và thiệt hại lớn cho chăn nuôi trong khi (theo đánh giá của ngành nông nghiệp) công tác thú y còn nhiều bất cập, hoạt động của đội ngũ cán bộ thú y tuyến xã chưa đạt hiệu quả cao, vệ sinh, phòng dịch chưa được chú trọng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi của tỉnh còn nhỏ bé, khả năng tài chính của người nông dân thấp. Khảo sát năm của ngành nông nghiệp cũng cho thấy, giá con giống và thuốc thú y trong nước cao, chất lượng thức ăn không đồng đều về tiêu chuẩn và chưa được kiểm soát triệt để. Riêng giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn trung bình của thế giới khoảng 16% và cao hơn so với các nước trong khu vực 13%. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Bình Phước nằm xa các trang trại giống và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi nên giá thức ăn còn cao hơn các tỉnh thành khác. Ngược lại giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp và luôn biến động, lợi ích kinh tế thấp, dễ gặp rủi ro và sản phẩm có sức cạnh tranh kém trên thị trường. Do đó việc phát triển chăn nuôi theo phương thức trang trại hàng hóa gặp khó khăn là điều dễ hiểu.
Về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thực tế cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng lên nhưng giữa người sản xuất, lò giết mổ - chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn có một khoảng cách khá lớn và thiệt thòi luôn thuộc về người chăn nuôi và người tiêu dùng. Hệ thống thương mại, lưu thông, phân phối sản phẩm yếu kém, thị trường không ổn định, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, nhưng khâu trung gian - người đứng giữa kinh doanh hiếm khi chịu thiệt...
Tất cả những điều đó đã “níu chân” ngành công nghiệp chăn nuôi Bình Phước suốt những năm qua. Giải pháp nào khắc phục được những khó khăn đang tồn tại và Bình Phước liệu có thể trở thành một trung tâm chăn nuôi công nghiệp, khi mà những yêu cầu khắt khe về phát triển đô thị văn minh ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An... trong những năm tới sẽ buộc phải di chuyển các khu công nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi công nghiệp đến địa phương khác có điều kiện tự nhiên, địa lý, quỹ đất dồi dào như tỉnh ta?
Trần Phương - Mỹ Thành
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065