PV: Bác sĩ có thể cho biết một số thông tin chính virus corona 2019 là gì, nguồn gốc từ đâu và cơ chế lây lan của virus này như thế nào?
Bác sĩ Quách Ái Đức: Bản thân virus corona thường gây bệnh trên động vật là chính, đôi khi lây sang người. Nhóm chủng virus này đã gây ra 3 đại dịch là SARS 2003, Mers-CoV và dịch thứ 3 là virus nCoV 2019 mới tại TP. Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo các tài liệu y khoa, nCoV 2019 có 3 phương thức lây truyền chủ yếu, gồm lây truyền qua không khí, là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp, là khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh, nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm khuẩn.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng dịch tại Trường mầm non Hoa Cúc, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài - Ảnh: Hồng Cúc
Khi ho, hắt hơi, virus này không lơ lửng trong không khí. Vì thế khả năng lây qua đường không khí thấp, chủ yếu lây qua tiếp xúc. Khi ra ngoài, tồn tại trên bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải..., thời gian tồn tại của virus khá lâu. Khi đó sờ tay vào bề mặt nhiễm khuẩn rồi đưa lên mắt, mũi, miệng là đường lây truyền đáng lo ngại. Virus này lây lan cả trong thời gian ủ bệnh. Nghĩa là lây ngay trong giai đoạn khi người bệnh không có triệu chứng. Có thể có người triệu chứng rất nhẹ, chỉ biểu hiện đau mỏi cơ, sốt nhẹ, ho nhiều, nhưng đã bị bệnh nên dễ bỏ sót một số trường hợp.
PV: Làm thế nào để bảo vệ bản thân trước chủng mới của virus corona, đặc biệt là những người thường xuyên di chuyển giữa các khu vực, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Quách Ái Đức: Mọi người cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống lây nhiễm do chủng mới của virus corona:
Tính đến 14 giờ ngày 6-2-2020, trên toàn thế giới ghi nhận có 28.281 người mắc virus corona, trong đó 28.023 người tại Trung Quốc. Đã có 565 người tử vong vì đại dịch, gồm lục địa Trung Quốc 563 người, Philippines 1 người và Hồng Kông (Trung Quốc) 1 người. Ngày 31-1-2020, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới từ Trung Quốc là “Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”. Ở nước ta, đã ghi nhận 10 người mắc, gồm 2 cha con người Trung Quốc đến Việt Nam; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc; 1 người là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 5 người trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó. Trong số 10 người mắc, có 3 người đã được chữa khỏi và xuất viện. |
1. Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt.
3. Che kín miệng và sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng, rồi rửa tay.
4. Báo ngay cho các nhân viên hàng không, ôtô, đường sắt nếu xuất hiện dấu hiệu ốm khi di chuyển, du lịch. Đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
5. Dùng các loại thực phẩm được nấu chín.
6. Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã.
7. Khi tới chỗ đông người hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh nên đeo khẩu trang.
8. Sử dụng khẩu trang đúng cách, khẩu trang phải che kín miệng khi đang sử dụng. Đối với các loại khẩu trang dùng 1 lần cần vứt bỏ ngay vào thùng rác sau khi dùng và sau khi bỏ khẩu trang cần rửa tay sạch.
Ngoài ra, vấn đề phun hóa chất khử trùng tiêu độc cũng là một trong những biện pháp phối hợp trong phòng, chống virus.
Công nhân Công ty TNHH Freewell (Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú) nâng cao ý thức tự bảo vệ trước đại dịch corona. Ảnh chụp chiều 6-2-2020
PV: Sở Y tế đã có chuẩn bị gì để sẵn sàng ứng phó nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu ban đầu giống bệnh viêm phổi do virus corona, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Quách Ái Đức: Mặc dù hiện nay chưa phát hiện ca nghi ngờ trên địa bàn Bình Phước, nhưng ngành y tế đã chủ động triển khai một số hoạt động sau đây: Về công tác chỉ đạo: Tham mưu thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra từ tỉnh đến tuyến cơ sở. Triển khai thành lập các đội phản ứng nhanh chống dịch 4 đội tuyến tỉnh; tuyến cấp huyện, trung bình 2 đội/huyện.
Về chuyên môn kỹ thuật: Xây dựng khu cách ly tại các cơ sở điều trị. Chọn cơ sở điều trị nếu có bệnh nhân nhiễm nCoV (tập huấn theo cấp độ, Bệnh viện đa khoa tỉnh hỗ trợ...). Tiến hành rà soát thuốc, vật tư y tế, thuốc điều trị, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế... Phối hợp các ban, ngành liên quan trong các hoạt động phòng, chống dịch trên các lĩnh vực quản lý người nước ngoài, tổ chức lễ hội, giáo dục (cho học sinh nghỉ học để phun thuốc...), xuất nhập cảnh qua biên giới, tuyên truyền phòng bệnh trong các khu công nghiệp...
PV: Trước thông tin lo lắng về việc trang thiết bị y tế của tỉnh hiện chưa đủ cho công tác phòng chống dịch, gồm cả trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ y, bác sĩ và thuốc cũng như trang thiết bị cho khám, cách ly nếu có trường hợp bị nhiễm trên địa bàn, bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về việc này?
Bác sĩ Quách Ái Đức: Hiện ngành y tế đã rà soát lại lượng trang thiết bị y tế, hóa chất phòng chống dịch, quần áo bảo hộ, khẩu trang và các thiết bị khác phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tỉnh Bình Phước, ngành y tế đã dự trù kinh phí trình các cơ quan thẩm quyền thẩm định và bổ sung trong thời gian sớm nhất.
PV: Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.350 người nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Trong số đó có một lượng khá lớn là người Trung Quốc. Dịp tết Nguyên đán vừa qua, những lao động này có về Trung Quốc, đã quay trở lại làm việc chưa và nếu có thì ngành y tế của tỉnh đã có biện pháp cách ly nào hay nghiệp vụ này đã được thực hiện ngay từ khi xuất nhập cảnh vào nước ta?
Bác sĩ Quách Ái Đức: Về vấn đề này, tỉnh đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công văn số 164/TTg-KGVX ngày 3-2-2020. Đó là cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua như sau:
Đối với các trường hợp nghi nhiễm nCoV lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế.
Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc phải được coi như trường hợp mắc bệnh và tiến hành khoanh vùng cách ly ngay tại các cơ sở do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định; áp dụng các biện pháp tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly.
Đối với các trường hợp khác thực hiện cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng; kiên quyết không để các trường hợp này ra khỏi nhà hoặc cơ sở lưu trú và tiếp xúc với người xung quanh. Đối với những người sống trong gia đình, làm việc trong các cơ sở lưu trú có người bị cách ly, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bị cách ly và với bên ngoài.
Thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, các biện pháp tiêu độc, khử trùng các gia đình, các hộ có tiếp giáp trực tiếp (liền kề) và cơ sở lưu trú nơi có người bị cách ly. Lập danh sách toàn bộ những người đã tiếp xúc người bị cách ly, với người trong gia đình, người làm việc trong cơ sở lưu trú có người bị cách ly để theo dõi, giám sát chặt chẽ về sức khỏe.
PV: Là tỉnh giáp biên giới với Campuchia, việc ngăn chặn, phòng dịch trên tuyến biên giới của Bình Phước đã được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Quách Ái Đức: Tỉnh đã triển khai tăng cường công tác kiểm dịch tại 4 cửa khẩu của Bình Phước. Phối hợp với các lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan... tiến hành các biện pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công văn số 164/TTg-KGVX ngày 3-2-2020. Tỉnh cũng đã kiểm tra định hướng xây dựng khu cách ly và trang bị máy đo thân nhiệt tự động.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Khi có vấn đề gì xảy ra liên quan đến virus corona trên địa bàn Bình Phước, nhân dân có thể liên lạc đường dây nóng qua các số 0918.225383, 0918.434976 và 0913.109196. Tiến sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế |
Trần Phương (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065