Những đợt áp thấp nhiệt đới đầu tháng 10 vừa qua khiến bầu không khí của thành phố biển trở nên dịu mát. 4 giờ sáng, khu cảng cá được đánh thức bởi tiếng ca-nô, tàu thuyền của ngư dân ngoài khơi trở về. Anh Phạm Văn Hiệp, người lái đò chở khách du lịch, nhà ở thị trấn Cát Bà, có thâm niên 15 năm trong nghề cho biết: “Từ 1-2 giờ sáng, ngư dân đi câu mực, chài lưới đánh bắt hải sản và thường 5, 6 giờ sáng sẽ về cảng. Hoạt động mua, bán chỉ diễn ra trong khoảng 2 tiếng đồng hồ”.
Anh Nguyễn Văn Thắng là một trong những hộ chuyên mua hải sản của ngư dân, sau đó bỏ mối cho các tiểu thương bán tại chợ Cát Hải. Anh Thắng cho biết, một ngày anh mua đi bán lại khoảng 400kg hải sản, chủ yếu là ghẹ, tôm tích. Trước khi bán lại cho tiểu thương, anh phân loại và bán với giá khác nhau. Ghẹ loại 1 khoảng 3-4 con/kg, bán giá 350 ngàn đồng/kg; ghẹ loại 2 từ 5-6 con/kg bán 200 ngàn đồng/kg. Tương tự, tôm tích cũng phân thành 2 loại và bán giá từ 150-200 ngàn đồng/kg. Vừa dừng tàu để bán hàng cho anh Thắng, anh Đinh Văn Tiến bước ra khỏi buồng lái tươi cười chào hỏi mọi người, trong khi các đồng nghiệp vẫn đang say ngủ dưới tàu. Tranh thủ trò chuyện, anh Tiến cho biết, quê anh ở Thanh Hóa, hợp tác làm ăn chung với 5 người bạn trên 1 con tàu hạng trung, chủ yếu đánh bắt ở Vịnh Bắc bộ, cách cầu cảng khoảng 80-100 hải lý. Một chuyến đi thường từ 7 đến 10 ngày mới về, đánh bắt chủ yếu là ghẹ với 700 lồng. “Mùa đánh bắt thuận lợi nhất là tháng 4, 5 vì là mùa sinh sản, ghẹ nhiều, ít bị chết. Mỗi chuyến bắt được từ 200-500kg, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 40-50 triệu đồng. Dù vậy, không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi trong làm ăn nhiều khi cũng có cạnh tranh hoặc gặp sóng to gió lớn, áp thấp nhiệt đới, bão thì không đánh bắt được gì” - anh Tiến chia sẻ.
Bên cạnh những tàu thuyền lớn, số lượng ngư dân đánh bắt bằng thuyền nhỏ gần bờ cũng khá đông. Vừa trở về sau một đêm đánh bắt bằng te, gia đình chị Trần Thị Thìn thu được khoảng 80-100kg các loại cá kìm, rô, lẹp. Thành viên trong gia đình mỗi người một việc: Phơi lưới, nấu cơm, giặt đồ... Vừa nhanh tay phân cá ra từng loại để bán, chị Thìn cho biết: “Cá kìm bông và cá rô bán đồng giá 200 ngàn đồng/kg nhưng số lượng ít; cá kìm quạ bán 50 ngàn đồng/kg. Cá lẹp xay ra bán cho các hộ làm thức ăn nuôi cá lồng. Tiêu thụ nội địa không hết, chúng tôi bán sang Trung Quốc. Những thuyền nhỏ như của gia đình tôi trung bình mỗi ngày thu nhập 1 triệu đồng”.
Quần đảo Cát Bà ngay cửa ngõ vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, có 366 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Cát Bà là đảo lớn nhất. Nơi đây nổi tiếng với thiên nhiên hoang sơ, nhiều hang động và những dãy núi đá vôi trùng điệp, cùng hàng ngàn loài động - thực vật quý hiếm. Nhờ đó, ngày 2-12-2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) quyết định công nhận quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đến với Cát Bà, du khách không những được chiêm ngưỡng thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tắm biển, tham quan các làng chài, đảo khỉ... mà còn được thưởng thức các món ăn đặc sản tại địa danh nổi tiếng này. |
Sáng sớm, tàu thuyền khắp nơi về càng đông, đậu theo từng khu vực xung quanh cảng cá. Những tàu thuyền lớn với dàn đèn cao áp dày đặc, sáng trắng câu cá mực lừng lững ngoài xa; các tàu bán dầu lửa, tàu từ nơi khác đến thu mua hải sản... cũng phải đậu cách biệt. Cùng với việc mua bán của các thương lái, nhà hàng hải sản thì còn có nhiều thuyền nhỏ của các hộ bán hàng lưu động khiến không khí buổi sáng trên cảng càng sôi động. Họ mang đầy đủ nhu yếu phẩm để cung cấp cho các hộ từ ngoài khơi vào. Vợ chồng chị Trần Thị Liễu - anh Phạm Văn Công với chiếc thuyền máy nhỏ chất đầy mặt hàng từ gạo, thịt heo, nước mắm, rau, củ quả chạy tà tà rồi tấp vào từng hộ để bán. Chị Liễu cho biết, giá bán trên thuyền không chênh lệch so với chợ Cát Hải, vì bán lâu năm nên toàn khách quen. Các tàu cá lớn sẽ mua với số lượng nhiều nhằm tích trữ cho những chuyến đi dài ngày, do vậy việc buôn bán cũng thuận lợi.
Để đảm bảo hoạt động trên biển được ổn định, cơ quan Cảnh sát biển thường xuyên tuần tra; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; kịp thời giúp đỡ những trường hợp không may bị rủi ro, tai nạn. Các cán bộ của trạm kiểm ngư cũng tuần tra, kiểm soát việc đánh bắt của ngư dân, nghiêm cấm khai thác hải sản mang tính hủy diệt như dùng mìn hoặc xung điện. Khu vực cảng cá giống như một eo biển, diện tích không lớn, trong khi số lượng tàu thuyền rất đông nên mọi hoạt động trở nên náo nhiệt. Anh Lê Hồng Liên, nhân viên Trung tâm hướng dẫn phát triển du lịch Cát Hải cho biết: Cát Bà là danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt nên thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Khách quốc tế thường đến đây vào mùa đông, khách nội địa thường đến vào mùa hạ. Việc giới thiệu và hướng dẫn khách tham quan du lịch về đời sống sinh hoạt của người dân khu vực cảng cá cũng là một trong những hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho những ai lần đầu đến với thắng cảnh tươi đẹp này.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065