Nhà báo Lâm Phương - BPTV
BPO - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ (LĐN) và bảo đảm bình đẳng giới. Theo dự thảo, LĐN trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trường hợp LĐN có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì LĐN thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của LĐN. Trường hợp LĐN không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để LĐN làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định, LĐN được thanh toán thêm tiền lương ít nhất bằng với tiền lương đã được hưởng đối với thời gian nghỉ và thời gian làm việc không được tính vào thời giờ làm thêm của LĐN.
Những năm qua, các hoạt động hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam được triển khai đồng bộ, bài bản và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề việc làm, thu nhập đối với LĐN vẫn còn nhiều rào cản, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện hệ thống chính sách. Đáng lưu ý là việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do vẫn còn một số quy định phân biệt đối xử đối với nữ về quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; các nhóm LĐN trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội chưa công bằng...
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tương đối cao, chiếm gần 50% tổng số lực lượng lao động xã hội. Hiện LĐN chiếm phần lớn trong số lao động ở các khu công nghiệp, trong đó hơn 70% lao động thuộc các ngành lao động chân tay, nặng nhọc, như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản... Dù có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng LĐN vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, cả về việc làm, thu nhập cũng như cơ hội thăng tiến. Thậm chí, tiền lương của LĐN hiện thấp hơn hẳn so với lao động nam. Ở các nhóm trình độ càng thấp, mức chênh lệch tiền lương giữa nữ và nam càng cao. Đối với các nhóm không có bằng cấp, tiền lương bình quân hằng tháng của nữ chỉ bằng 72% so với nam. Vì vậy, nhiều LĐN, nhất là lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất buộc phải làm thêm giờ để tăng thu nhập, ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi và trách nhiệm của LĐN đối với gia đình, xã hội.
Mặt khác, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, dự báo đa số lao động trong những ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử… có nguy cơ mất việc làm cao do vị trí của họ có thể được thay thế bằng máy móc. Trong tương lai gần, số LĐN thất nghiệp, mất việc làm có xu hướng gia tăng. Cho thấy, LĐN không chỉ gặp bất lợi về thu nhập so với nam giới mà còn chịu nhiều thiệt thòi về vị trí và cơ hội việc làm.
Hy vọng, nghị định nêu trên sớm được ban hành, tạo sự đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm. Đây cũng sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy sự thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung, LĐN nói riêng. Qua đó, những bất cập về pháp lý sẽ sớm được khắc phục, giúp LĐN có nhiều hơn cơ hội về việc làm, tăng thu nhập, tự tin vào bản thân.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065