BP - Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong nước và thế giới. Và tình hình biển Đông cũng là một trong những vấn đề lo ngại của người dân Việt Nam khi bước vào năm mới 2016. Nhìn lại năm 2015, biển Đông với nhiều diễn biến phức tạp, trong đó hoạt động bồi lấp và xây đảo nhân tạo do Trung Quốc tiến hành trở thành một “điểm nóng” của quốc tế. Trên tất cả diễn đàn, các nước trong khu vực và nhiều cường quốc đã lên tiếng phản đối, đồng thời có những hành động kiên quyết để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông.
CÁC HOẠT ĐỘNG PHI PHÁP...
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tính từ tháng 12-2013 đến tháng 6-2015, Trung Quốc đã cải tạo hơn 11,7km2 ở biển Đông. Trên các đảo đá như Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng đường băng nhằm tăng cường sự hiện diện của không quân trên biển Đông. Giới phân tích lo ngại, các đường băng này là cơ sở để Trung Quốc có thể tuyên bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông, tương tự việc nước này đã đơn phương thực hiện ở biển Hoa Đông cuối năm 2013.
Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ một con tàu chở dầu lậu trên biển ngày 26-4-2015 - Ảnh: Internet
Những ngày cuối năm 2015, Trung Quốc còn tiếp tục tiến hành nhiều việc làm nguy hiểm trên biển Đông. Quân đội của họ đã triển khai cuộc tập trận vào ngày 16-12 với nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, mô phỏng một cuộc tấn công bằng tên lửa vào tàu đối phương. Lực lượng tập trận chia làm 2 đội, trong số nội dung tập trận có cuộc tấn công bằng tên lửa vào tàu thương mại của bên thứ ba. Tàu chiến Trung Quốc cũng thực hành làm chệch hướng tên lửa chống hạm của đối phương cũng như phối hợp với tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm và chiến đấu cơ. Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E từ ngày 28-12 đến 10-2-2016. Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, hiện Hải Dương 981 đang ở vị trí ngang vùng biển Quảng Bình của Việt Nam, cách đường trung tuyến (ranh giới phân định trên vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc) 70 hải lý về phía đông. Cảnh sát biển sẽ tiếp tục theo dõi chặt các hoạt động của giàn khoan này ở biển Đông.
CẦN PHẢI CHẤM DỨT NGAY!
Sau khi Trung Quốc thông báo họ sắp hoàn tất quá trình bồi lấp các đảo, bãi đá ở biển Đông, ngày 25-6-2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp; không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở biển Đông”.
Đặc biệt trong cuối tháng 12-2015, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc đã gửi công hàm để phản đối tuyên bố chủ quyền sai trái và những hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Trong Công hàm số 344/HC-2015 ngày 29-12-2015, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982. Công hàm nhắc lại: Việt Nam cương quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông, cũng như lập luận của Trung Quốc rằng chủ quyền và những quyền liên quan của Trung Quốc ở biển Đông đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Việt Nam phản đối những hoạt động tôn tạo, xây dựng mà Bắc Kinh đang thực hiện đối với các đảo trong biển Đông.
Mới đây nhất, ngày 2-1-2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước sự việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Cũng trong ngày 2-1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc.
Xâu chuỗi các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông cho thấy, họ đã và đang làm phức tạp thêm tình hình và âm mưu độc chiếm biển Đông, thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý. Vì vậy, tình hình biển Đông năm 2016 vẫn không thể yên bình là có cơ sở. (*)
Thế Nhàn
(*) Bài viết tham khảo Biendao24h.vn và các tài liệu khác
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065