BP - Những năm qua, các nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý chất thải sau quá trình chế biến. Để khắc phục tình trạng này, 3 nhân viên của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh là Hoàng Văn Cảnh (1990), Nguyễn Duy Long (1987) và Phan Thành Đông (1987) đã nghiên cứu đề tài “Sản xuất phân hữu cơ vi sinh tận dụng từ nguồn chất thải trong nhà máy chế biến mủ và sử dụng vào vườn cây nhằm tiết kiệm chi phí phân bón bên ngoài”. Kết quả, sáng kiến này đã mở ra hướng xử lý chất thải từ quá trình chế biến mủ cao su thành phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường; giúp nhà máy tiết kiệm được khoản chi phí lớn và đặc biệt cải thiện môi trường.
Ý tưởng từ thực tiễn
Những năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh gặp nhiều khó khăn, do giá mủ giảm sâu, khí hậu diễn biến bất thường ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu công ty cũng như thu nhập của người lao động. Mặt khác, hằng năm nhà máy chế biến mủ thải ra lượng lớn chất thải như tro lò xông, mủ tờ, bùn thải. Số chất thải này để lâu trong bể chứa tác động với khí hậu bên ngoài tạo thành hợp chất gây mùi hôi, ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh. Trước tình hình này, Ban lãnh đạo công ty yêu cầu phải nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng các vườn cây cao su kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, đề xuất những sáng kiến, giải pháp nhằm giúp công ty tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Để đáp ứng yêu cầu của công ty, nhóm nghiên cứu Hoàng Văn Cảnh, Nguyễn Duy Long và Phan Thành Đông đã đưa ra các nhóm giải pháp nhằm biến chất thải từ hoạt động chế biến mủ cao su thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng.
30 đoàn viên, thanh niên Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh hỗ trợ đóng bao vận chuyển chất thải từ nhà máy chế biến mủ cao su đến nơi tập kết để thực hiện quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh
Anh Phan Thành Đông, nhân viên kỹ thuật Nông trường 1 (Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh), là thành viên của nhóm cho biết: Ý tưởng sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải được nhóm thực hiện từ đầu tháng 10-2017 và công ty hỗ trợ máy múc, xe vận chuyển, cho mượn kho bãi tập kết chất thải ngay trong nhà máy chế biến mủ cao su của công ty ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh). Đặc biệt, nhóm còn được 30 đoàn viên, thanh niên của công ty hỗ trợ ngày công lao động. Lượng chất thải sau khi thu gom về được phối trộn với phân chuồng và thực vật họ đậu để tăng hàm lượng hữu cơ cũng như độ phân hủy. Sau đó, hỗn hợp này được ủ kín cùng với chế phẩm sinh học EM và nấm trichoderma trong khoảng 6 tháng. Ngoài ra, để thành công thì nền đất ủ phải đảm bảo sạch, không thấm nước. Trong quá trình ủ phải đảo hỗn hợp và phun thêm nước nhằm giữ nhiệt độ luôn ở khoảng 40-70oC, độ ẩm từ 55-60% để vi sinh vật hoạt động tốt.
Sau 6 tháng, nhóm đã cho ra loại phân hữu cơ vi sinh. Để kiểm chứng chất lượng sản phẩm, nhóm đã gửi mẫu đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP. Hồ Chí Minh) phân tích kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy: Phân có hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho đất và cây trồng có thể hấp thu để sinh trưởng, phát triển ổn định; không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, với việc kết hợp các chế phẩm sinh học (EM và nấm trichoderma) giúp bổ sung và tăng cường sự hoạt động của các chủng vi sinh vật ngoài phân giải các chất dinh dưỡng khó phân hủy trong đất, nó còn làm tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm của đất, tiêu diệt nấm bệnh hại cây trồng.
Sản phẩm thân thiện môi trường
Lần thử nghiệm đầu tiên, nhóm đã tạo ra 9,2 tấn phân hữu cơ vi sinh đạt chất lượng và được Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh mua lại toàn bộ để bón thử cho vườn cây cao su tái canh trồng mới với diện tích 6,5 ha, thuộc lô 185 tại Nông trường 7. Sau 1 năm theo dõi cho thấy, 100% vườn cây đạt 5 tầng lá trở lên, tỷ lệ sống đạt trên 98% theo yêu cầu quy trình kỹ thuật. Tốc độ sinh trưởng và phát triển của vườn cây thí nghiệm tương đồng với vườn cây đối chứng. Không có hiện tượng gây bệnh hay cây bị ngộ độc, tán lá phát triển mạnh.
Đề tài nghiên cứu của nhóm thanh niên Hoàng Văn Cảnh, Nguyễn Duy Long và Phan Thành Đông được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tặng bằng khen; Ban giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh tặng giấy khen vì có thành tích trong phong trào sáng tạo. Ngoài ra, với đề tài này, nhóm đã đoạt giải nhì cuộc thi “Sáng tạo xanh” lần thứ II năm 2018 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Hiện đề tài đã vào vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019” do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức; vượt qua vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019, khu vực Đông Nam bộ do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, khoa học và công nghệ tổ chức (Bộ Khoa học và Công nghệ). |
Từ thành công bước đầu, nhóm đã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Đến nay, nhóm đã sản xuất thêm 50 tấn phân hữu cơ vi sinh bón 50 ha vườn cây kiến thiết cơ bản và cao su kinh doanh của công ty. Vườn cây đang phát triển tốt và nhóm tiếp tục theo dõi để cuối năm đánh giá kết quả. Anh Đông cho biết: Thuận lợi nhất của nhóm khi thực hiện đề tài nghiên cứu này là được Ban lãnh đạo công ty ủng hộ. Bởi ngoài hỗ trợ phương tiện, kho bãi, nhóm còn được công ty bao tiêu sản phẩm.
Từ những thành quả mang lại cho thấy, đề tài nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn chất thải trong quá trình chế biến mủ cao su mang lại nhiều lợi ích. Nhờ vậy góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực về lưu trữ chất thải trong nhà máy, giúp việc quản lý, xử lý chất thải được nhẹ nhàng. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh được tạo ra giúp cây trồng sinh trưởng, tăng khả năng kháng bệnh, đồng thời giúp phục hồi môi trường đất, tăng lượng vi sinh trong đất, giảm độ chua và cải tạo đất tốt hơn. Đặc biệt, giúp công ty tiết kiệm khoản chi phí lớn so với mua phân bón ngoài thị trường (thay vì mua phân hữu cơ vi sinh ngoài thị trường giá từ 1.800-2.200 đồng/kg thì mua sản phẩm phân hữu cơ của nhóm với giá khoảng 1.300 đồng/kg).
“Đây là mô hình có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường cần triển khai với quy mô lớn hơn, tuy nhiên nhóm đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí. Nhóm hy vọng các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác đầu tư để xây dựng thương hiệu, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ quy mô hơn, đảm bảo lượng phân bón cung cấp cho vườn cao su trong công ty và tiến tới phục vụ vườn cao su trên toàn tỉnh” - anh Đông nói.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065