BP - Báo Bình Phước số 717 (bộ mới), ra ngày 15-8-2017 đăng bài “Ly hôn giả, hậu quả thật”. Nội dung bài báo phản ánh về trường hợp vay vốn làm ăn nhưng bị vỡ nợ, để bảo toàn tài sản cho gia đình đã tổ chức ly hôn giả dẫn tới những hậu quả đến nay chưa được giải quyết. Sau khi bài báo đăng, bạn đọc đã chia sẻ thêm nhiều vấn đề liên quan đến việc ly hôn giả, trong đó có những bi kịch của người trong cuộc. 2 câu chuyện sau đây là bài học đắt giá cho những ai muốn đem hạnh phúc gia đình mình ra làm trò đùa và để chạy tội.
T.V.K là viên chức khá mẫn cán trong công việc. Bởi vậy, ở cơ quan K luôn được đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị đánh giá là người có năng lực. Bên cạnh đó, K có một gia đình đầm ấm và hạnh phúc với người vợ tần tảo cùng 2 đứa con hiền ngoan.
Nhờ chí thú làm ăn nên chỉ vài năm sau ngày cưới, K đã có nhà cửa khang trang và một số tài sản tương đối khá so với bạn bè, đồng nghiệp. Để tăng thu nhập, vợ K còn kiêm nghề môi giới đất đai, nhà cửa, vườn cây... Thế nhưng, khi gia đình có của ăn của để thì K bắt đầu nảy sinh những thói hư tật xấu. Ban đầu chỉ là họp “hội 52” để giải trí ngày cuối tuần. Sau đó, nghe rủ rê từ những thành phần xấu K bắt đầu cá độ bóng đá. Càng cá độ càng thua, K như con thiêu thân lao vào mặc cho vợ con khuyên nhủ, anh em nội ngoại can ngăn. Giải World Cup năm 2014 mới qua được vài trận đấu bảng, chủ nợ đã lũ lượt tìm đến nhà K xiết đồ. Hai mảnh đất sát nhà mà vợ chồng K tích cóp mua được đã “đội nón” ra đi. Hết mùa giải, tài sản của vợ chồng K chỉ còn lại căn nhà cấp 4. Để vực dậy kinh tế gia đình, vợ K thuê đất, vay vốn mở trường mầm non. Thế nhưng, “máu đỏ đen” đã nhiễm khiến K ngày một lún sâu vào cờ bạc. Để giữ số tài sản còn lại cho con cái, vợ K bàn chuyện ly hôn giả. Năm 2016, vợ chồng K được cơ quan chức năng ra quyết định thuận tình ly hôn. Anh K đồng ý để lại toàn bộ tài sản cho vợ và 2 con quản lý. Việc ly hôn chủ yếu là để trốn tránh các khoản nợ do K thua bạc nên họ vẫn ở chung nhà, ăn chung mâm. Những tưởng biện pháp ly hôn này sẽ làm K tỉnh ngộ. Thế nhưng, mùa Euro 2016 K phải “nằm trại” hơn nửa năm để cơ quan chức năng điều tra đường dây cá độ bóng đá. Biết chồng mình không thể tu tâm, dưỡng tính làm ăn, vợ K đã lấy chồng mới.
Ngày ra trại, K trông ngóng vợ con đến đón nhưng chờ mãi chẳng thấy ai nên phải đón xe ôm về nhà. Về đến ngõ, K không thấy vợ con mình đâu mà thấy một người đàn ông ra mở cổng và giới thiệu mình là chủ nhà. Sát đó, lớp mầm non do vợ K tổ chức, các cháu vẫn vô tư hát bài “Cả nhà thương nhau” làm cho mọi thứ xung quanh K như sụp đổ. K vội giã từ vị chủ nhà, xách hành lý đi bộ ra quốc lộ đón xe về hướng Chơn Thành xin làm công nhân. Như vậy, chỉ vì máu đỏ đen mà K đã đánh mất toàn bộ sự nghiệp, gia đình và con cái để trở thành một kẻ vô gia cư.
Chuyện thứ hai về trường hợp của anh T.V.T cũng vì ly hôn giả mà thân bại danh liệt. Hơn chục năm trước, anh T là viên chức nhà nước. Vợ anh T là nhân viên văn phòng của một đơn vị chuyên về xây dựng các công trình dân dụng. Với đồng lương viên chức tuy không dư dả nhưng nhờ biết thu vén nên cuộc sống của họ cũng ổn định.
Khi các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa thì vợ anh T cũng thành lập doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng để làm ăn. Là đơn vị tư nhân mới thành lập nên doanh nghiệp của vợ anh T luôn gặp nhiều khó khăn. Sau gần chục năm kinh doanh, số nợ của họ đã vượt quá khả năng chi trả. Để giữ lại một phần tài sản, vợ chồng anh T thực hiện ly hôn giả và giao hết tài sản cho đứa con gái năm nay 21 tuổi quản lý. Thế nhưng, sau khi ly hôn, vợ anh T khăn gói ra đi đến nay không liên lạc được. Còn cô con gái đã nghe bạn xấu rủ rê, xúi giục bán hết tài sản lấy tiền gửi tiết kiệm để lấy lãi. Sau đó, cô này cùng người yêu đi du lịch khắp nơi. Và thế là tài sản do ba mẹ để lại cho con sau ly hôn đã “bốc hơi” hết. Khi cô con gái của anh T hết tiền thì anh chàng người yêu cũng ra đi không lời giã biệt. Anh T liên tục bị chủ nợ đến đòi nên đã nghỉ việc về tá túc nhà mẹ đẻ. Ngán ngẩm chuyện đời, anh T sinh ra nhậu nhẹt giải sầu. Trong một lần nhậu say, anh T bị té xe nằm liệt giường một thời gian dài...
Những câu chuyện đã nêu chưa phải là “điển hình” về bi kịch của ly hôn giả trong cuộc sống hiện nay. Nhưng đây là bài học đắt giá cho những ai còn mang hạnh phúc gia đình ra làm trò đùa. Vì vậy, dù giàu hay nghèo, có sự đồng cam cộng khổ, thuận vợ thuận chồng mới tạo nên cơ nghiệp. Nếu còn làm giàu kiểu ăn xổi hay sa vào tệ nạn xã hội thì trước sau gì cũng để lại hậu quả khó lường.
T.Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065