BP - Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau để lại quá lớn. Trải dài trên đất nước Việt Nam vẫn còn hàng trăm ngàn ngôi mộ gió và những ngôi mộ chưa có tên của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong lần về thăm di tích Trung ương cục nằm trong rừng Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai dịp 30-4-2017, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng đứng trước 70 ngôi mộ gió chưa có tên, chưa có hài cốt tại Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà.
Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, tình hình và cục diện đấu tranh cách mạng ở miền Nam chuyển biến rất nhanh. Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III quyết định giải thể Xứ ủy Nam bộ thành lập Trung ương Cục miền Nam (các cơ quan đầu não nay nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, sâu trong rừng Mã Đà). Mục đích: xây dựng và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, các cơ quan tham mưu, xây dựng Quân giải phóng miền Nam, đón tiếp lực lượng cán bộ tập kết và chi viện từ hậu phương miền Bắc.... Tuy nhiên, rừng miền Đông Nam bộ rậm rạp, trong rừng chỉ có người S’tiêng và Châu Mạ sinh sống. Đây cũng là vùng đất “đi dễ, khó về” bởi nhiều thú dữ, sốt rét, sốt xuất huyết và thiếu lương thực. Hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống. Lúc hy sinh, các anh, các chú được đồng đội chôn cất và làm dấu mốc cẩn thận. Nhưng trải qua nửa thế kỷ, tất cả đã mất dấu.
Người dân thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà
Anh Nguyễn Văn Nhân, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm di tích Trung ương Cục (đơn vị làm hai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng Mã Đà và di tích Trung ương cục cho biết: “Khó xác định được vị trí chôn cất các anh trước đây. Hiện trong vùng mới có 6 gia đình tìm thấy mộ liệt sĩ. Để tưởng nhớ, khắc ghi công ơn các liệt sĩ, bên trong Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà đang xây dựng 70 ngôi mộ gió, theo mô hình mộ đá ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo), lấy con số của 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ. Đây là ý tưởng nhân văn của Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Mùi. Tuy 70 ngôi mộ gió được xây dựng chỉ dựa vào các điểm gia đình tìm thấy hài cốt liệt sĩ và những mô đất nhô lên nghi có mộ nhưng ai đến đây cũng bồi hồi xúc động. Xung quanh 6 ngôi mộ có tên có thể nhiều đồng đội của các anh cũng đang nằm tại đây. Hy vọng những ngôi mộ gió sẽ sưởi ấm linh hồn các liệt sĩ”.
Chúng tôi theo Trạm trưởng Nguyễn Văn Nhân xuống thăm nghĩa trang. Hai bên đường dày kín những loài cây hiếm, trải màu trên nền đất sỏi đỏ. Các loài cây vô tình vẽ lên đất bạt ngàn hoa nắng vàng ươm. Từ trạm xuống nghĩa trang chỉ 90m nhưng trên đường đi chúng tôi gặp 5 đoàn khách. Họ là 2 tốp sinh viên đi phượt trong rừng từ ngày 29 vừa ra tới di tích (cách đường nhựa khoảng 15km) và 2 gia đình đến từ Sài Gòn cùng một nhóm 5 người đi chụp ảnh các loài chim quý trong rừng Mã Đà. Tất cả vẫy tay chào trạm trưởng và không quên hẹn ngày quay lại. Đi khoảng 80m, mở ra trước mắt chúng tôi một khoảng rộng. Bên trái là Đền thờ liệt sĩ, bên phải là điểm dừng chân có ghế đá và mái nhà lợp lá trung quân. Rất nhiều lẵng hoa tươi của các đơn vị trong và ngoài huyện Vĩnh Cửu về thăm viếng di tích ngày lễ, những nén hương được du khách mới thắp còn tỏa khói. Chúng tôi dừng chân thắp nhang ngoài đền rồi vào Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà.
Đường vào nghĩa trang không quá rộng, được láng bê tông sạch đẹp. Hai bên xanh um những tầng cây giữ hơi ẩm mát rượi của rừng. Gió thổi qua lá nghe âm thanh vừa thương vừa quen. Đi khoảng 30m, 70 ngôi mộ gió nằm cạnh nhau theo từng hàng, có vài ngôi mộ nằm hơi lệch do là nơi tìm thấy hài cốt các liệt sĩ (các anh đã được người nhà đưa về quê an táng). Những tấm bia thể hiện ngôi mộ chưa có tên, có tuổi, chưa có hài cốt, phía trên là biểu tượng Tổ quốc ghi công và những nhành hoa tươi.
Một ngày về với di tích Trung ương Cục chúng tôi cảm thấy tự hào trước khí phách, ý chí chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh của thế hệ cha, anh. Ra về khi tiết trời chuyển những cơn mưa giông, trong chúng tôi vang lên những vần thơ Hoa Hải Đường: “Hàng bia dài lòng đau xót biết bao/ Man mác nhớ về một thời máu lửa/ Đất nước mạnh giàu các anh không còn nữa/ Bước chân tôi chầm chậm chẳng muốn về/ Các anh ơi!/ Nơi đây cũng là quê/ Hãy yên nghỉ giữa thắm màu hoa lá/ Gió ngọt ngào hát ru các anh ngủ/ Đêm nghĩa tình từ khách đủ muôn phương”.
Cẩm Thơ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065