>> [Video] Bệnh viện đa khoa tỉnh phải "lột xác" bằng đề án cụ thể
CHƯA XỨNG TẦM
Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Thành Trương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh viện được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2002 với quy mô 300 giường bệnh. Trang thiết bị bệnh viện được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức (năm 2008) trị giá 1,7 triệu euro. Hiện nay, bệnh viện đang phải thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện 600 giường trên cơ sở hạ tầng cũ. Vì vậy, một số khoa xuống cấp trầm trọng, phải sửa chữa ngay. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải nhưng không thể kê thêm giường bệnh. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế cho phòng mổ, hệ thống máy chủ, máy thở tại Khoa Nhi thiếu. Hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp, nước thải không đạt tiêu chuẩn nên không đấu nối được vào hệ thống thoát nước khu vực. Do vậy, nước thải sau khi xử lý xả vào hố tự thấm của bệnh viện, về mùa mưa gây ngập và ô nhiễm môi trường.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cùng đoàn công tác thăm và tìm hiểu thực tế tại Khoa Vật tư trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình công tác tại bệnh viện, bác sĩ Trần Thế Truyền, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, nói: Sau khi tách tỉnh, ngành y tế Bình Phước kiến thiết lại nhưng như “xây nhà không có móng” vì không có nhiều bác sĩ, nhân lực hầu hết từ tuyến dưới chuyển lên. Nhân lực tay nghề như vậy, cộng thêm đa số không được trang bị kỹ năng mềm nên khó hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của bệnh viện ngày càng quá tải, xuống cấp, trang thiết bị thiếu. Ưu điểm của Bệnh viện đa khoa tỉnh là đội ngũ bác sĩ lâu năm, có kinh nghiệm nhưng chưa được đúc kết, chưa đoàn kết để tạo thành sức mạnh tập thể. Vì vậy, 10 năm qua, học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) có rất nhiều em thi đậu và học ngành y, tốt nghiệp ra trường nhưng không về tỉnh, trong đó có cả con em bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Sở Y tế.
Bác sĩ Lê Văn Giang, Trưởng khoa Mắt chia sẻ: Hơn 18 năm hoạt động, bệnh viện hầu như không được đầu tư gì. May mắn năm 2008 từ nguồn vốn ODA tài trợ nên bệnh viện được trang bị một số máy móc, các y, bác sĩ mới có cơ hội nâng cao tay nghề. Tại bệnh viện, 90% y, bác sĩ đi học sau đại học không được UBND tỉnh hỗ trợ. An ninh trong bệnh viện chưa tốt, có trường hợp bác sĩ bị người nhà bệnh nhân phản ứng thái quá, gây hoang mang tâm lý.
ĐỔI MỚI TƯ DUY QUẢN LÝ
Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Ngành y tế Bình Phước đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân do biên chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chế độ, chính sách cho cán bộ y tế chưa hợp lý và việc thu hút nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh mới chỉ đáp ứng cơ bản, chưa tương xứng với nhu cầu. Các nguồn vốn đầu tư cho ngành y tế, kinh phí đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện chính sách thu hút, ưu đãi hạn chế.
Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 300 giường bệnh nhưng hiện phải thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện 600 giường. Trong ảnh là tình trạng quá tải tại Khoa Khám bệnh - Ảnh: Sỹ Hòa
Lãnh đạo ngành y tế tỉnh kiến nghị: Bổ sung số biên chế còn thiếu so với định mức tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước; UBND tỉnh có chính sách để 142 bác sĩ đang được cử đi đào tạo theo diện cử tuyển sau khi tốt nghiệp trở về công tác tại địa phương. Về kinh phí, ngoài ngân sách Trung ương cấp, địa phương cần bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Có chính sách ưu tiên kinh phí đào tạo cán bộ về chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Tăng kinh phí giường bệnh tuyến huyện từ 42 triệu đồng/giường/năm lên 55 triệu đồng/giường/năm; tuyến tỉnh tăng từ 53 triệu đồng/giường/năm lên 70 triệu đồng/giường/năm...
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trần Ngọc Trai cho biết: Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nếu ngành y tế không tích cực, chủ động tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức nước ngoài thì thời gian tới khó có thể giải quyết những vướng mắc mà ngành đã và đang đối mặt. Về phía địa phương, chỉ có thể cân đối bố trí ngân sách phù hợp cho ngành trong tình hình mới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho rằng: Dù ngành y tế còn rất nhiều khó khăn nhưng chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Bệnh viện đa khoa tỉnh cần phải “lột xác bằng đề án cụ thể”. Người làm công tác quản lý phải đổi mới tư duy, chủ động giải quyết những vấn đề nội bộ, không chỉ trông chờ những chương trình mục tiêu của Trung ương mà phải năng nổ tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn từ Trung ương, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần triển khai ngay dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh lên 600 giường; Sở Tài chính nhanh chóng thanh toán cho bệnh viện những khoản “nợ” đang thiếu; tổ chức cho lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với con em trong ngành y tỉnh để thu hút nguồn nhân lực...
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065