Ba mươi sáu tuổi, nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng ngó xuống thì tôi cũng chẳng đến nỗi nào. Tôi có một căn nhà phố tuy hơi xa trung tâm nhưng rộng rãi, có một công việc tốt, có chồng và hai con đủ trai gái. Nhà thuê người giúp việc theo giờ nên buổi tối thi thoảng tôi có thể đi cà phê, chơi một môn thể thao nào đó, hoặc đơn giản là đọc một cuốn sách, dành thời gian cho con... Cuộc sống như thế còn gì để phải phàn nàn?
Chị bạn thân bảo: “Bộ điên à, ly hôn để làm gì chứ?” khi tôi dè dặt thổ lộ suy nghĩ của mình. Bao nhiêu người mơ ước một sự ấm êm tương đối như tôi, sao tôi lại tung hê mọi thứ chỉ để thỏa mãn những suy nghĩ “dở hơi” của mình? Con hai đứa, nuôi đứa này, buông đứa kia cho chồng, liệu có thể thản nhiên coi như không có gì được chăng? Nhà bán, chia đôi, làm sao đủ mua lại một căn hộ nhỏ xíu? Chừng này tuổi đầu, lẽ nào giờ quay lại cảnh ở trọ thời sinh viên, phấp phỏng tiền nhà, dọn chỗ? Con cái một mình đưa đón, chăm nom lúc ốm đau, lúc lâm vào hoàn cảnh đó mới biết đá biết vàng… Quan trọng nhất, ly hôn xong thì được gì? Lấy chồng khác ư? Hay để ung dung tự tại sống độc thân một mình? Coi vậy chứ không đơn giản. Nếu là để tìm kiếm người đàn ông khác phù hợp hơn, thì hên xui may rủi cũng nhiều. Lỡ gặp phải vỏ dừa, thì cái việc tan đàn sẻ nghé để tránh vỏ dưa kia coi như không ổn rồi. Mà đàn bà, ít nhất khi đau ốm hay cần bảo bọc gì đó, lại vẫn ước gì có người đàn ông bên mình, chẳng thể nào luôn mạnh mẽ được…
Chị bạn phân tích thiệt hơn thật chí lý. Thế nhưng, tôi làm sao có thể chia sẻ hết với chị nỗi chênh vênh khi hàng đêm thắc thỏm chờ chồng đi nhậu về, chẳng phải vì nhớ thương mong ngóng gì, mà lo đường sá rủi ro, bên ngoài bao nhiêu bất trắc chực chờ. Nói nào ngay, giờ mà chồng có chuyện gì, mình tôi cũng khó bề gánh vác hết mọi thứ. Tôi không còn quá trẻ để nuôi giấc mơ hoàng tử, cũng chẳng ngây thơ để không suy tính mà bỏ mồi bắt bóng. Nhưng chừng này tuổi rồi, tôi thấy tiếc cuộc đời chỉ có một lần của mình, chẳng thể nào quay ngược lại để sống hay sửa chữa sai lầm, thì hà cớ gì tôi phải cam chịu, phải cố chấp nhận, phải ép uổng bản thân trong mối quan hệ mà cả hai đều hiểu đã nguội lạnh lắm rồi. Nhưng đạp đổ nó, thay đổi nó, hoặc chí ít là làm mới nó, thì mình sợ hãi, bất lực...
Qua hai lần sinh nở cùng những vất vả thường nhật, sức khỏe tôi đã suy giảm nhiều. đêm hay choàng dậy vì lạnh toát, mắt mũi phập phù, những dấu hiệu xuống sức chỉ bản thân mình mới nhận biết rõ. Tôi chẳng còn tha thiết những thứ hào nhoáng, phù phiếm, mà chỉ ước mong một hạnh phúc đơn giản, những bữa cơm tối ngon lành, đủ mặt cả nhà. Hai vợ chồng hiếm hoi mới cùng xuất hiện ở nơi nào đó. Một bữa cơm trưa nói chuyện cùng nhau đã là điều xa xỉ. Chúng tôi vẫn mua thuốc, mua cam cho nhau khi đau ốm; tôi vẫn đều đặn cuối tuần ra chợ kiếm cá bống nhỏ, món chồng ưa thích; chúng tôi vẫn trao đổi về con cái, về những dự định sắm sửa này nọ cho gia đình, nhưng một cái nắm tay, chút an ủi dỗ dành đã thành quá vãng. Cuộc hôn nhân dài trở nên tẻ nhạt đến độ trách giận nhau cũng chẳng ai còn hứng thú.
Có lẽ tôi là mẫu phụ nữ dễ bắt gặp hiện nay, sống trong một thành phố đông đúc ồn ào, gắn đời mình với cái văn phòng rù rì máy lạnh, những chiều bươn bả đón con, mòn mỏi bên một ông chồng hay đi, nhiều mối quan hệ, lắm khách khứa phải tiếp. Tôi không bị bạo hành, tôi không thiếu thốn, tôi chẳng nghèo khó hay ngu ngốc gì, nhưng tôi vẫn cứ thấy cái sự tưởng như tròn vẹn của mình dường như không đủ để gọi là hạnh phúc. Những người phụ nữ làng nhàng, mờ nhạt đến tầm thường như tôi, như vô số chị em bây giờ, nên lấy phương châm biết đủ là đủ, phải có tinh thần tự tìm vui cho mình thì mới cảm thấy đời ổn được.
Tôi không thiếu bạn bè. Tôi cũng chẳng phải không có gì để bận tâm, theo đuổi. Tìm một người nào đó bầu bạn, chia sẻ thêm ư? Không khó, thậm chí rất dễ. Để đêm khuya túc tắc nhắn tin, lâu lâu len lén hẹn hò, coi phim, ăn tối? Nhưng để làm gì, hay chỉ là chuốc thêm những muộn phiền không đáng có? Tôi thấy mình mòn đi từng ngày, trong nỗi vô vị, tẻ nhạt, nhàm chán. Tôi thấy mình đơn độc, cô quạnh ngay trong chính mái gia đình mình, bên những người gọi là thân thương nhất. Bệnh thời thượng chăng?
(Theo PNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065