BP - Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh vừa họp khẩn trực tuyến với 20 tỉnh phía Nam, trong đó có Bình Phước, để triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch. Tại buổi họp trực tuyến, PGS. TS bác sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang vào “mùa”. Vì vậy đề nghị các tỉnh rà soát lại tổng thể để có biện pháp phòng, chống triệt để, vì tiềm ẩn nguy cơ cao “dịch chồng dịch” tại khu vực Đông Nam bộ. Tại Bình Phước, theo thống kê của ngành y tế, bệnh tay chân miệng đang tăng đột biến.
Mỗi tuần có 70-80 ca bệnh
Tại Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh có khoảng 10 bệnh nhân tay chân miệng đang điều trị. Đây là những bệnh nhân có diễn tiến nặng, phải nhập viện theo dõi và điều trị. Các bệnh nhẹ đều được bác sĩ khám, hướng dẫn về nhà theo dõi, chăm sóc. Chị Thị Ban, mẹ của cháu Lâm Bảo Bảo ở ấp 5, xã Nha Bích (Chơn Thành) cho biết: “Cháu sốt nhẹ và nổi mụn nước khắp người, tới ngày thứ 3 thì sốt cao, co giật nên tôi đưa cháu tới bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tay chân miệng. Qua 3 ngày điều trị, đến nay cháu đã hết sốt, ăn uống bình thường”. Chị Thạch Thị Bích Chân ở ấp 2, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) cho rằng con mình là cháu Lâm Bảo Khánh không phải bị bệnh tay chân miệng. Mới đầu cháu chỉ bị nổi vài mụn đỏ như rôm sảy trên đầu, sau đó mụn nước lan ra khắp người và sốt nhẹ. Nhờ được điều trị, chăm sóc kịp thời nên nay cháu Khánh đã hết sốt, các mụn nước đang lành.
Trẻ điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 23-9-2018, toàn tỉnh ghi nhận 556 ca mắc bệnh tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Mặc dù số ca mắc giảm nhiều so cùng kỳ năm 2017 (556/1.025 ca), nhưng trong những tuần gần đây số ca mắc tăng đột biến, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận 70-80 ca mắc. Theo đánh giá của ngành chức năng, đây là số mắc cao so với trung bình tuần của những tháng trước.
Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh tay chân miệng thường lây qua đường tiêu hóa, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ 3-5 tuổi. Hiện nay, trẻ đã tựu trường nên nếu trong một lớp có trẻ mắc bệnh, không được phát hiện, cách ly kịp thời thì bệnh rất dễ lây cho các trẻ khác. Bên cạnh sự gia tăng đột biến của bệnh tay chân miệng, tỉnh đang tiến hành nhiều biện pháp phòng, chống các bệnh sốt xuất huyết và sởi, bởi có nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Để chủ động phòng ngừa bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, người dân cần: Chủ động cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đi tiêm các mũi vắc-xin theo đúng lịch cũng như các khuyến cáo của ngành y tế. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng xà bông. Đối với những gia đình có trẻ nhỏ cần thường xuyên rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà bông kết hợp với lau, rửa đồ chơi của trẻ, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn có bán trên thị trường. Những người chăm sóc và chế biến thức ăn cho trẻ cũng cần phải thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và khi chăm sóc trẻ... Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được khám chẩn đoán, điều trị. Nếu trẻ bệnh thì cách ly trẻ tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Phòng chống muỗi chích bằng cách: Ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ, có thể dùng nhang xua muỗi, kem chống muỗi, hoặc bình xịt muỗi cá nhân tại nhà. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, thoáng mát. Làm hạn chế nơi sinh sản của muỗi bằng cách vệ sinh môi trường như thu gom, lật úp, dọn dẹp dụng cụ chứa nước không cần thiết; đậy nắp, thau rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước sinh hoạt. |
Theo dự báo của ngành chức năng, hiện đang là cao điểm mùa mưa - điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển. Qua giám sát thực tế tại các địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng, nguyên nhân chính là do ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh chưa cao. Nhiều hộ dân còn để dụng cụ chứa nước có lăng quăng, đặc biệt là những vật phế thải (lon, vỏ đồ hộp, lốp xe cũ...) không được thu gom, xử lý đúng cách. Bên cạnh đó, Bình Phước là một trong những tỉnh thu hút lượng lớn người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó có một bộ phận không nhỏ công nhân ở trọ, điều kiện vệ sinh không đảm bảo làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Tính đến ngày 23-9-2018, toàn tỉnh ghi nhận 2.754 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng 43% so cùng kỳ năm 2017 (1.921 ca). Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao tập trung ở một số huyện, thị như Đồng Xoài, Chơn Thành, Bình Long, Đồng Phú, Bù Đăng. Ngành chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp phòng chống nên số ca mắc sốt xuất huyết trong thời gian gần đây đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên chưa bền vững.
Bệnh sởi mặc dù đã có vắc-xin phòng nhưng thực tế hằng năm vẫn còn một số trẻ chưa được tiêm vắc-xin đúng lịch, thậm chí có trẻ không được tiêm vắc-xin. Số trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được gây miễn dịch đầy đủ hằng năm chưa đạt 95% và tiêm nhắc vắc-xin sởi, rubella chưa đạt 90%. Tích lũy số chưa được tiêm vắc-xin sởi hằng năm cộng lại thì có lượng lớn trẻ tại cộng đồng chưa được bảo vệ và là những đối tượng nguy cơ khiến số ca bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi nào. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến ngày 23-9-2018, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 11 trường hợp bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi tại Bù Đốp, Hớn Quản, Đồng Xoài, Phước Long, Chơn Thành và Đồng Phú. Trước tình hình bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây cho thấy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể gia tăng số ca mắc nếu không được giám sát chặt chẽ, cách ly, điều trị kịp thời ca bệnh.
P.Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065