BP - Năm 1333, tại châu Á xuất hiện một căn bệnh lạ chưa từng có trong lịch sử loài người làm cho hàng triệu người phải bỏ mạng. Các thuyền buôn của châu Âu từ Ấn Độ tỏa đi các nơi đã mang theo căn bệnh chết người lan sang vùng Lưỡng Hà, Ai Cập... Đến năm 1347, căn bệnh này lan đến châu Âu từ thủy thủ thuộc các tàu buôn ở Ấn Độ trở về. 2 năm sau, căn bệnh này gần như phủ kín toàn bộ lục địa già. Các bác sĩ giỏi, nhà nghiên cứu y khoa, thầy thuốc lúc bấy giờ đều bó tay, thần chết gõ cửa khắp mọi nơi...
Nước Anh hoảng loạn khi số người chết tại châu Âu ngày càng tăng nên tìm cách ngăn chặn những người bị dịch bệnh tràn vào. Gia đình nào có người bệnh liền bị cộng đồng hắt hủi, xua đuổi đi nơi khác và bị đốt nhà. Người dân từ thành thị đến nông thôn không còn tâm trí làm ăn mà chỉ lo việc đốt nhà người bệnh, xua đuổi người bị nghi ngờ nhiễm bệnh vào rừng sâu... Theo thống kê, chỉ 3 tháng bùng phát tại thủ đô London (Anh), căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hơn 10 vạn người. Còn tại châu Âu đã có hơn 60% số dân bị chết, nhiều thành phố sầm uất không còn một bóng người, nhiều làng mạc trù phú trước đây bị đốt cháy, san bằng do có người nhiễm bệnh. Cả châu Âu điêu tàn, hoang vắng và ngột ngạt trong không khí chết chóc. Các thầy thuốc nổi tiếng trên thế giới họp bàn, nghiên cứu phương án cứu chữa và gọi đây là bệnh dịch hạch. Chính phủ các nước châu Âu đã tuyên chiến với bệnh dịch hạch. Lệnh cho quân đội, cảnh sát lập chốt chặn kiểm soát người từ nước ngoài trở về, thực hiện việc cách ly tàu bè, bến cảng và không cho thủy thủ lên đất liền... Từ năm 1353-1362, tình hình châu Âu tạm ổn vì bệnh không còn bùng phát dữ dội. Các nhà y khoa tuy chưa tìm ra phương thuốc khống chế nhưng do thực hiện đúng các quy trình cách ly, cấm nhà buôn, thủy thủ vào đất liền, cấm xuất nhập cảnh... và tăng cường đội ngũ y tế giám sát việc cách ly, kiểm tra nghiêm ngặt và buộc người dân phải vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt nên đến năm 1364, bệnh dịch hạch cơ bản được khống chế.
Các nhà sử học đánh giá, dân số thế giới vào năm 1400 bị giảm hơn 1/3 so với trước khi dịch hạch xuất hiện, kinh tế bị suy tàn, cuộc sống của người dân cùng cực vì nạn cướp bóc và chiến tranh... Thế nhưng, nhờ đoàn kết, đồng lòng trong chiến đấu với căn bệnh dịch hạch mà các nhà y học, đội ngũ y khoa của thế giới đã có bước phát triển vượt bậc. Chính vì vậy, lịch sử thế giới đã xếp việc bùng phát căn bệnh dịch hạch là sự kiện chấn động mạnh và có ảnh hướng lớn đến sự phát triển chung của nhân loại trong thời gian qua.
T.Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065