>> Đồng Phú xuất hiện chùm bệnh lạ
>> Nhận biết dấu hiệu ban đầu bệnh bạch hầu
>> Phòng bệnh bạch hầu
>> Đã xác định “thủ phạm” của chùm bệnh lạ tại Đồng Phú
>> [Video] Họp báo công bố dịch bạch hầu
>> 149 người dân trong vùng ổ bệnh được tiêm phòng bệnh bạch hầu
BP - Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu đã và đang xảy ra trên địa bàn 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú, huyện Đồng Phú, phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn phó giáo sư, tiến sĩ PHAN TRỌNG LÂN, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh về những vấn đề liên quan.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trọng Lân
Bệnh bạch hầu có vắc-xin y tế dự phòng. Nghĩa là trong thời gian tiêm chủng có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh từ hàng trăm đến hàng ngàn lần. Tuy nhiên, qua thời gian tích lũy, vẫn còn một số trường hợp mắc lẻ tẻ trở thành ổ dịch. Bệnh bạch hầu lây lan trực tiếp qua đường hô hấp. Nếu điều trị không kịp thời, tỷ lệ tử vong khoảng 5-10% do các thể ác tính hoặc biến chứng xảy ra. Đối với những trường hợp mắc ở Bình Phước là do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Chủng này xuất hiện lẻ tẻ, đặc biệt khi xảy ra ở trẻ em thì có tỷ lệ tử vong cao.
Pho giáo sư có thể cho biết những biểu hiện đặc thù cũng như mức độ lây lan của căn bệnh này, với số ca mắc hiện nay có thể công bố dịch hay chưa?
Các biểu hiện của bệnh bạch hầu thường là sốt nhưng không cao, ruột đau, viêm amiđan mủ có các giả mạc, biểu hiện đau họng. Đặc biệt các ca điều trị sớm ở Bình Phước biểu hiện điển hình giả mạc rất ít. Khi bệnh nhân đi bác sĩ chữa trị, biểu hiện bệnh không điển hình nên dẫn đến biến chứng viêm cơ tim và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Khi xảy ra bệnh ở Đồng Phú, các cơ quan vào cuộc rất nhanh, nhất là Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cũng như Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến y tế ở cơ sở. Việc triển khai uống kháng sinh dự phòng từ rất sớm chống được sự lây lan. Những trường hợp bệnh nặng đã chuyển lên tuyến trên sớm. Công tác giám sát rất chặt chẽ, kịp thời lấy mẫu để đưa về Viện Pasteur làm xét nghiệm. Giám sát làm rất nhiều, chỉ cần sốt, mắc amiđan đã xem như mắc bệnh để có hướng xử lý kịp thời. 36 mẫu của bệnh nhân và người tiếp xúc với bệnh nhân chuyển về Viện Pasteur thì có 4 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu. Hiện có 37 trường hợp thuộc diện giám sát được xem là mắc bệnh bạch hầu ở 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, đặc biệt tại xã Thuận Lợi có đến 35 trường hợp. Như vậy đây là ổ dịch khu trú.
Diễn ra từ ngày 22-6, đến nay đã 3 tuần, hằng ngày vẫn có trường hợp mắc mới, như vậy dịch đang tạm phát và có khả năng lây lan sang nơi khác. Với vấn đề công bố dịch, trong vòng so sánh cùng 3 năm trước, nếu các trường hợp dương tính cao hơn, ở đây các xã đã cao hơn, thì Sở Y tế có thể tham mưu UBND tỉnh công bố dịch trên phạm vi xã hoặc phạm vi huyện để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống. Tôi cho rằng hiện nay tỉnh Bình Phước đã triển khai các biện pháp phòng chống như đã có dịch xảy ra rồi.
Xin phó giáo sư cho biết Viện Pasteur có những giải pháp hỗ trợ tỉnh Bình Phước như thế nào?
Ngay từ khi có trường hợp mắc bệnh, Viện Pasteur đã cử 3 đoàn công tác về phối hợp cùng ngành y tế tỉnh để xử trí một cách triệt để.
Thứ nhất là trường hợp mắc bệnh phải được cách ly triệt để tại cơ sở y tế để không lây ra cộng đồng, giảm tối đa biến chứng cũng như hạn chế tử vong. Việc điều trị phải được đặt lên hàng đầu. Trường hợp mắc bệnh, phải hai lần xét nghiệm cho kết quả âm tính mới cho xuất viện để tránh lây lan.
Hai cha con Điểu Hưng và Thị Kiều Vy trú tại thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi đang điều trị bệnh bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Thứ hai, đối với trường hợp người tiếp xúc thì phải theo dõi ít nhất trong 7 ngày. Khi có các biểu hiện như sốt, đau ruột, viêm amiđan phải kịp thời đến các cơ sở y tế tư vấn hoặc điều trị nhằm tránh dẫn đến biến chứng có thể tử vong. Phải đảm bảo những người trong vùng dịch được 10 ngày uống thuốc phòng ngừa theo chỉ định của thầy thuốc để hạn chế biến chứng cũng như khả năng lây lan sang người khác. Vấn đề lâu dài và căn cơ, tôi cho rằng phải phòng ngừa tiêm chủng chủ động. Nghĩa là phải rà soát lại toàn bộ danh sách trên địa bàn tỉnh đối với những trẻ đã tiêm chủng 3 mũi cơ bản. Tất cả phải được tiêm chủng đạt tỷ lệ tối đa, đây là vắc-xin 5 trong 1. Đối tượng thứ hai là những trẻ tiêm mũi thứ 4, mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi, cũng phải được rà soát để đạt tỷ lệ cao.
Thứ ba, đối với ổ bệnh ở hai xã phải được tiêm chủng vắc-xin cho các đối tượng có nguy cơ mắc cao gồm từ 6-26 tuổi tiêm vắc-xin Td, từ 18 đến 48 tháng tuổi chưa tính thời gian miễn dịch trong vùng dịch nên tiếp tục tiêm vắc-xin DPT để đảm bảo cộng đồng miễn dịch, vừa ngăn sự lây lan vừa ngăn xảy ra biến chứng.
Một vấn đề hết sức quan trọng là phải được giám sát chặt chẽ, đặc biệt là uống thuốc dự phòng, tiêm vắc-xin, cách ly. Các trường hợp mắc bệnh phải được giám sát và cách ly triệt để. Bên cạnh ngành y tế, tôi cho rằng vai trò của ban chỉ đạo từ tuyến xã, huyện phải vào cuộc tích cực bằng cách vận động các đối tượng đi tiêm chủng, cùng họ kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm vắc-xin tại địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Đông Kiểm (thực hiện)
SẼ CÔNG BỐ DỊCH BẠCH HẦU Ngày 14-7, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông chủ trì buổi họp báo công bố tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn xã Thuận Lợi và xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú. Bác sĩ Thông cho biết: Đến sáng 14-7, có 47 ca nhiễm vi khuẩn bạch hầu, so với sáng 13-7 đã phát sinh thêm 10 ca. Trong đó có 3 ca tử vong, 8 ca ra viện, còn lại 36 ca đang điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Hiện có 4 ca dương tính với bệnh bạch hầu. Các điểm xảy ra bệnh đều đã được phun thuốc khử trùng và các đối tượng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đều đã được uống thuốc phòng bệnh. Sở Y tế vẫn đang tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của bệnh bạch hầu trên địa bàn. Hiện số người mắc bệnh có thể vẫn còn. Tuy nhiên, Sở Y tế đã có những biện pháp phòng chống hiệu quả, không còn số ca mắc bệnh tử vong sau khi phát hiện. Trong ngày 14-7, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh công bố dịch trên địa bàn 2 xã. Số lượng vắc-xin hiện có 10.000 liều sẽ được tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên từ 6 đến 26 tuổi trong vùng dịch. Riêng các đối tượng là trẻ em nằm trong diện tiêm chủng sẽ được tiêm theo chương trình mục tiêu quốc gia. Ngay trong chiều 14-7, các đối tượng trong vùng dịch được triển khai tiêm phòng. Công tác phun hóa chất tiêu độc, khử trùng đã được triển khai ngay sau khi phát hiện bệnh lây lan. Theo khuyến cáo của ngành y tế, các đối tượng tiêm phòng không đủ liều hoặc đủ 3 mũi nhưng do cơ thể không sản sinh ra kháng thể vẫn có thể mắc bệnh. Nguyên nhân bệnh bạch hầu dẫn đến tử vong là do các độc tố gây suy cơ tim. Để phòng chống bệnh hiệu quả, mọi người phải tuân thủ nghiêm quy trình điều trị và cách ly để tránh lây ra cộng đồng. Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, uống thuốc dự phòng để ngăn ngừa lây lan. Khi có dấu hiệu sốt nhẹ, đau cổ họng, viêm amiđan thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Đ.K |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065